Nước ép trái cây cung cấp lượng lớn chất chống oxy hóa, vitamin C, A, B1, B6, K, folate, kali, magie… hỗ trợ quá trình trao đổi chất, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Theo chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một số sai lầm dưới đây có thể khiến nước trái cây không phát huy hết công dụng, thậm chí gây hại.
Uống nước ép khi đói
Thói quen này có thể gây ra vấn đề tiêu hóa ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, tá tràng do một số loại trái cây chứa lượng axit cao. Đồ uống này còn chứa hàm lượng đường cao, dùng khi đói có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, sau đó giảm nhanh chóng, dẫn đến mệt mỏi.
Thời điểm lý tưởng để uống nước ép trái cây là sau bữa sáng 20-30 phút. Lúc này các enzym trong cơ thể tăng hoạt động, chuyển hóa, dưỡng chất được hấp thụ tốt. Uống nước ép giàu vitamin C còn tăng hấp thu sắt trong thực phẩm. Dùng nước ép giữa các bữa ăn để ổn định lượng đường trong máu hoặc sau khi vận động giúp bổ sung lượng glycogen dự trữ.
Uống trước khi ngủ
Điều này có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu, gây gián đoạn giấc ngủ. Một số loại nước ép có tính axit như nước cam hoặc bưởi dễ gây trào ngược axit hoặc ợ nóng.
Hâm nóng trước khi uống
Dưới tác dụng của nhiệt độ cao, nước ép bị biến chất, phá hủy vitamin C, B1 (thiamine), B9 (axit folic)… Nếu muốn uống nước ép ấm, chỉ nên ủ ấm ở nhiệt độ thấp (không quá 40-50 độ C).
Uống chung với sữa hoặc với thuốc
Hàm lượng axit tartaric có trong đồ uống phản ứng với lượng protein có trong sữa gây trở ngại cho quá trình hấp thu của cơ thể, rối loạn tiêu hóa. Mọi người uống sữa và nước ép trái cây cách nhau ít nhất 30 phút. Một số loại nước ép trái cây không an toàn khi dùng chung với thuốc như nước ép bưởi, cam, nho, cà rốt, lựu, cần tây… Trước khi kết hợp nước ép với thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thêm đường vào nước ép
Các loại trái cây đều có chứa một hàm lượng đường nhất định tốt cho sức khỏe. Nếu thêm đường vào đồ uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như thừa cân, béo phì, đái tháo đường…
Dùng nước ép trái cây để giảm cân
Đồ uống này không cân bằng về mặt dinh dưỡng do chủ yếu chứa carbohydrate, hàm lượng protein, ít lipid. Thay thế bữa ăn chính bằng nước ép trái cây tươi, có thể giảm cân trong thời gian ngắn nhưng lượng calo nạp vào bị hạn chế, làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Thiếu hụt protein khiến cơ thể giảm sức mạnh cơ bắp, thiếu máu do các tế bào không nhận đủ oxy, dẫn tới suy nhược. Các chất béo lành mạnh như omega-3, axit docosahexaenoic (DHA) duy trì năng lượng, cân bằng hormone, hòa tan các loại vitamin A, E, D, K. Thiếu hụt chất này khiến cơ thể giảm sức đề kháng.
Uống thay thế nước lọc
Nước lọc duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể mà không chứa calo, đường hay các chất phụ gia. Trong khi phần lớn nước ép trái cây đều cung cấp một lượng đường nhất định. Uống nước ép trái cây thay nước lọc hàng ngày sẽ gây thừa cân, béo phì, tiểu đường, tăng mỡ máu… Lượng đường fructose cao có thể kích thích quá trình tạo mỡ mới ở gan, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Uống nước ép thay ăn nguyên quả
Nước ép trái cây thường không chứa chất xơ do phần thịt quả bị loại bỏ trong quá trình ép. Đồ uống này cũng chứa lượng đường cao hơn so với khi ăn nguyên quả, dễ ảnh hưởng đến mức insulin và cân nặng nếu lạm dụng. Kết hợp cân đối giữa uống nước ép quả và ăn nguyên quả để tốt cho sức khỏe.
Không kết hợp trái cây và rau củ
Theo chuyên viên dinh dưỡng Thương, kết hợp rau chiếm 70% và 30% trái cây có thể đảm bảo cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ép chung các loại củ nhiều tinh bột (khoai tây, ngô) với trái cây có nhiều đường do có thể gây lên men trong dạ dày, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Uống quá nhanh
Điều này dẫn đến lượng đường tăng nhanh, gây ra gia tăng insulin, năng lượng có thể giảm đột ngột sau đó. Uống nước ép chậm rãi sẽ tốt cho tiêu hóa, duy trì lượng đường máu ổn định, thúc đẩy quá trình hydrat hóa (bổ sung nước vào các cơ quan, mô, tế bào).
Ép nhiều một lúc để uống dần
Quá trình oxy hóa làm giảm giá trị dinh dưỡng của nước ép sau một thời gian. Chỉ nên ép đồ uống lượng vừa đủ, sử dụng trong vòng hai giờ sau khi ép.
Bảo quản trong hộp nhựa lâu
Không nên bảo quản nước ép quả trong hộp nhựa lâu dài vì nhựa không thể ngăn hoàn toàn sự tiếp xúc với không khí. Do vậy, nước ép dễ bị oxy hóa nhanh chóng, làm giảm giá trị dinh dưỡng. Nhiều loại nhựa không chất lượng chứa BPA (Bisphenol A) có thể làm lây nhiễm các hóa chất độc hại vào thực phẩm. Hóa chất này có thể gây rối loạn nội tiết và nhiều vấn đề sức khỏe, theo chuyên viên dinh dưỡng Thương.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/sai-lam-can-tranh-khi-uong-nuoc-ep-trai-cay-4817826.html