Sán lá gan nhỏ bội nhiễm E.coli tạo ổ áp xe trong gan

Ngày 21/11, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Khắc Khiêm, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ổ áp xe ở gan phải bệnh nhân, kích thước 7×8 cm, xét nghiệm cho thấy có kháng thể sán lá gan nhỏ, cấy mủ áp xe phát hiện vi khuẩn E.coli.

“Trường hợp áp xe gan do mắc sán lá gan nhỏ bội nhiễm vi khuẩn E.coli gây nhiễm trùng nặng như ông Thanh là khá hiếm gặp”, bác sĩ Khiêm nói.

Thông thường vi khuẩn E.coli (Escherichia coli) sống trong đường ruột của người và động vật, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, sốt hoặc ngộ độc thức ăn. Khi đường mật bị viêm, sán lá gan nhỏ tạo ổ áp xe ở gan tạo điều kiện vi khuẩn E.coli di chuyển từ đường tiêu hóa lên gan. Vi khuẩn phá hủy các tế bào nhanh hơn và làm tăng nặng tình trạng nhiễm trùng, gây biến chứng, suy giảm chức năng gan, nhiễm trùng huyết.

Ảnh ổ áp xe lớn (vùng khoanh đỏ), chiếm gần hết lá gan. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ông Thanh được bác sĩ dẫn lưu áp xe gan, dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, phục hồi chức năng hô hấp, phối hợp can thiệp dinh dưỡng để tránh suy kiệt do nhiễm trùng, tăng hiệu quả điều trị.

Bác sĩ Khiêm cho biết quá trình điều trị cho người bệnh phức tạp do ổ áp xe ở vị trí sát vòm hoành, làm tăng nguy cơ vỡ lên khoang màng phổi, ảnh hưởng hô hấp. Ổ áp xe có nhiều vách, mủ đặc, dẫn lưu dịch khó ra hết ngay trong thời gian ngắn. Người bệnh tuổi cao, nhiều bệnh nền, từng phẫu thuật và hóa trị ung thư đại tràng, khiến quá trình phục hồi chậm.

Sau một tuần điều trị, ông Thanh tỉnh táo, da niêm mạc hồng, nhịp tim ổn định, phổi thông khí đều hai bên, huyết động ổn định. Một tháng sau ông tái khám, ổ áp xe đang nhu mô hóa (lành lại), kích thước tổn thương giảm rất nhiều so với trước điều trị, chỉ còn vài cm. Bệnh nhân sẽ tái khám sau 6-12 tháng nữa để bác sĩ theo dõi và thay đổi hướng điều trị phù hợp nếu có.

Theo bác sĩ Khiêm, một số trường hợp sán lá gan nhỏ khi đi vào cơ thể không có biểu hiện triệu chứng, có thể tồn tại trong gan nhiều năm. Với ông Thanh, ổ áp xe đã hình thành trong một thời gian dài nhưng không tìm đúng nguyên nhân nên chưa điều trị triệt để, xảy ra nhiều biến chứng.

Y văn thế giới ghi nhận 10 loại sán lá gan nhỏ, trong đó ba loài gây bệnh chủ yếu là clonorchis sinensis, opisthorchis viverrini và opisthorchis felineus. Ở Việt Nam phổ biến hai loại sán lá gan nhỏ là C.sinensis và O.viverrini, trong đó C.sinensis lưu hành ở các tỉnh phía Bắc, O.viverrini lưu hành ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Yếu tố nguy cơ gây nhiễm sán lá gan nhỏ gồm ăn cá nước ngọt chưa nấu chín, gỏi cá, cá muối, sống trong vùng có thói quen ăn gỏi cá, toilet không đảm bảo vệ sinh. Khi ăn phải cá nhiễm ấu trùng sán nhưng chưa được nấu chín, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, ngược theo đường mật lên gan phát triển thành sán lá gan, ký sinh và gây bệnh ở đường mật như tắc mật, viêm đường mật, áp xe gan do sán. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang đến khi sán trưởng thành 26-30 ngày.

Bác sĩ Khiêm dặn dò người bệnh trước khi ra viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bệnh sán lá gan vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới ít được quan tâm và cần phải loại trừ. Để giảm nguy cơ mắc sán lá gan nhỏ, bác sĩ Khiêm khuyến cáo người dân không nên ăn gỏi cá, các thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín. Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước. Định kỳ tẩy sán cho vật nuôi. Người có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt kéo dài, vàng da, nên đi khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Lục Bảo

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/san-la-gan-nho-boi-nhiem-e-coli-tao-o-ap-xe-trong-gan-4818462.html