Sàn thương mại điện tử đẩy mạnh bán nông sản

Những ngày cuối năm 2024, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ra mắt nongsan.buudien.vn – sàn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên biệt về nông sản nhằm đón đầu thị trường cuối năm và tiềm năng mảng kinh doanh này trong thời gian tới. Không dừng ở thị trường trong nước, sàn đặt tham vọng từng bước mở rộng sang các thị trường quốc tế.

Cùng chào hàng bán nông sản

Ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn nông sản và TMĐT của Vietnam Post, cho biết sàn đang có các chiến dịch cho từng sản phẩm vùng miền, chẳng hạn kết hợp tỉnh Hòa Bình để chạy chương trình cam Cao Phong; phối hợp tỉnh Ninh Thuận để thúc đẩy mặt hàng dưa lưới; bưởi Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ; thanh long ruột đỏ của tỉnh Bình Thuận, xoài keo của tỉnh Tiền Giang. Với mỗi tinh hoa vùng miền, sàn đang đẩy mạnh hợp tác và xây dựng các chương trình riêng.

Sàn cũng đang xây dựng bộ máy và phương án xuất khẩu nông sản qua sàn. Tuy nhiên, chưa thể triển khai ngay do còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí xuất khẩu như vùng trồng phải có mã, đủ sản lượng. 

“Chúng tôi đang chạy 2 phương án gồm bán hàng nội địa để hỗ trợ nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và tìm kiếm, kết hợp những khu vực có sản lượng lớn, tiêu chuẩn phù hợp để thúc đẩy việc xuất khẩu thông qua sàn” – ông Tiến nói.

Sàn thương mại điện tử đẩy mạnh bán nông sản- Ảnh 1.

Nhiều sàn thương mại điện tử Việt Nam đẩy mạnh bán nông sản online

Ngoài kinh doanh trên sàn, ông Tiến cho hay Vietnam Post còn hỗ trợ bán hàng nông sản tại các bưu cục như chuyển đổi mô hình tại một số bưu cục, dành 30-40 m2 để trưng bày, kinh doanh nông sản. 

“Việc thu gom nông sản sẽ có đội ngũ cung ứng kết hợp bưu điện các tỉnh, thành phố; bưu điện huyện, phường, xã hỗ trợ bà con. Nhờ chủ động mạng lưới 13.000 điểm phục vụ, trong đó có hơn 8.000 bưu điện – văn hóa xã trải rộng tới tận thôn bản, thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm sẽ được bảo đảm” – ông Tiến nói.

Cũng trong tháng 12, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) ra mắt sàn VIPO Mall, cung cấp giải pháp TMĐT cho doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt mở rộng xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ… 

Ngay sau đó, Viettel Post đã khai trương Công viên Logistics tại Lạng Sơn, trung tâm giao dịch nông sản, kết nối các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Thực tế, trong bối cảnh thị trường TMĐT cạnh tranh khốc liệt, nhiều sàn TMĐT trong nước đã và đang đẩy mạnh kinh doanh nông sản. Đại diện Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ – đơn vị vận hành sàn TMĐT Sendo.vn, cho biết hơn 3 năm nay, công ty đã chuyển mình với mô hình đi chợ trực tuyến kiểu mới – Sendo Farm, chuyên cung cấp sản phẩm từ thực phẩm tươi sống đến hàng tiêu dùng; với mức chiết khấu cho khách hàng trên từng đơn hàng.

Ông Huỳnh Thế Vinh, Giám đốc điều hành Công ty CP Vinh Hiển Farm (TP HCM) là DN thuộc tốp đầu về ngành gạo và các sản phẩm từ gạo như: bún, bánh tráng, phở,… trên các sàn TMĐT, cho biết tốc độ tăng trưởng của kênh này rất nhanh trong khi bán lẻ nói chung chỉ tăng nhẹ. 

“Khách hàng bây giờ mua sắm online thì mình phải hiện diện để không mất thị phần. Trước đây, ngành gạo khó vì hàng nặng, nếu DN tự lo giao nhận sẽ bị giới hạn địa lý. Giờ đây, bán trên sàn, nhờ hệ thống giao nhận của sàn mà DN có thêm khách hàng tận miền Bắc, Tây Bắc với chi phí giao hàng chỉ 20.000 đồng/đơn hàng, thậm chí là miễn phí vận chuyển chương trình” – ông Vinh dẫn chứng.

Ông Phan Minh Thức, đồng sáng lập Công ty TNHH Ba Thức Food (bò khô Ba Thức), đồng thời là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) về mảng nông sản, cũng nhận xét đây là lĩnh vực rất tiềm năng, bởi mỗi lần livestream nông sản, người xem đông hơn hẳn các mặt hàng khác.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng đồng thời mở ra cơ hội lớn để bứt phá. Trong đó, việc chọn đánh vào phân khúc nông sản online mở ra nhiều cơ hội lớn với các sàn TMĐT.

Thách thức về logistics

Đại diện Sen Đỏ cho biết dù tiềm năng lớn, nông sản vẫn đối mặt với thách thức về tìm kiếm nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn, cũng như bảo quản và kiểm tra để bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Công ty này kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ truyền thông từ các cơ quan chức năng thông qua triển lãm và hội chợ trong và ngoài nước. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển TMĐT nông sản.

Bà Nguyễn An Phương, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Globaltech (đơn vị vận hành sàn Vivina.net), cho biết nông sản Việt có lợi thế xuất khẩu nhưng vẫn phải cạnh tranh gay gắt với hàng nước ngoài. Do đó, sàn Vivina.net tập trung kết nối mua bán nông sản online. Bà Phương cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các nhà cung cấp và người tiêu dùng trong việc sử dụng nông sản chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt trong các đợt cao điểm như Tết.

Ở góc độ người bán, ông Huỳnh Thế Vinh cho biết hiện các sàn TMĐT đang tập trung phục vụ tốt nhất cho người dùng cuối nên người bán nông sản khá vất vả trong việc giao đơn hàng sớm, lên các chương trình khuyến mãi. 

Chưa kể, chi phí bán hàng trên sàn ngày càng cao, nếu như trước đây chỉ mất từ 12%-13% thì nay lên đến 22%-23% nên người bán phải chuyên nghiệp hóa mới có hiệu quả. Do đó, sắp tới Vinh Hiển sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo để tối ưu đội ngũ vận hành.

Ông Phan Minh Thức chỉ ra bán nông sản trên sàn vẫn gặp thách thức về logistics khi cần giao nhanh vì hàng mau hư hỏng. Do đó, các bên vẫn cần tiếp tục đầu tư thêm về logistics, đặc biệt là giao hàng nhanh đến vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp hơn. 

Ngoài ra, dù tỉ lệ thanh toán trước có tăng nhưng giao hàng nhận tiền (COD) vẫn phổ biến khiến nhà bán gặp rất nhiều rủi ro về việc hoàn trả hàng và với nông sản coi như nhà bán thiệt hại 100%.

Một vấn đề nữa là hiện nay, nhiều nhà bán mới thiếu kỹ năng định giá, thường đặt giá quá thấp, gây ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp. Ví dụ, sầu riêng nhập 100.000 đồng/kg cần bán gấp đôi để có lãi do phải chịu chi phí sàn, vận chuyển, đóng gói, hao hụt,… Tuy nhiên, nhiều người chỉ bán 150.000 đồng/kg vì tưởng đã lãi 50.000 đồng/kg. Hậu quả là họ chỉ hoạt động được 2-3 tháng rồi dừng vì lỗ vốn, phá giá thị trường.

Do đó, ông Thức gợi ý, trong khi chờ hạ tầng TMĐT phát triển, nhà bán nên bắt đầu với nông sản dễ bảo quản (10-15 ngày) và ưu tiên bán tại các đô thị có hạ tầng tốt như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ. Nông sản cũng cần nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng, tránh tình trạng “giải cứu” làm mất giá thị trường.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Nguyên, cho rằng DN và hộ nông dân cần trang bị kiến thức về chuyển đổi số và sáng tạo để bán hàng online hiệu quả. Tuy nhiên, DN nhỏ, HTX và hộ nông dân gặp khó khăn về nhân lực am hiểu công nghệ. Vì vậy, cần đầu tư giải quyết bài toán về nhân lực, logistics và chiến lược marketing. 

Xác định thế mạnh

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), “vũ khí” cạnh tranh của DN Việt là hàng hóa mang tính bản địa và đặc sản vùng miền. Hơn 3 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai sàn TMĐT Sanviet.vn, kết nối mua bán các sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Sàn Việt hướng tới kết nối 63 tỉnh, thành, đưa nông sản thế mạnh của từng địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt thông qua sự hợp tác với KOL, KOC trên các sàn TMĐT và mạng xã hội.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/san-thuong-mai-dien-tu-day-manh-ban-nong-san-196241218210150153.htm