Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới, trong đó các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.
Theo Bộ, “xét tuyển sớm” là các đợt xét tuyển trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Như vậy, với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng đa dạng phương thức (học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế…). Tuy nhiên, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt xét tuyển chung. Nếu dùng nhiều phương thức, đại học phải quy đổi tất cả về chung một thang điểm.
Bộ cho rằng những thay đổi này nhằm điều tiết tuyển sinh đại học công bằng hơn, không ảnh hưởng đến thí sinh. Nhưng nhiều chuyên gia không đồng tình.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhìn nhận công bằng trong tuyển sinh là các thí sinh được đánh giá, lựa chọn trên một chuẩn chất lượng, ví dụ thông qua một kỳ tuyển sinh chung.
Tại Việt Nam, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chính là xét tốt nghiệp, không đủ độ khó và phân hóa để chọn người tài vào đại học. Với điểm học bạ ở phổ thông, việc chấm điểm có độ chênh giữa các địa phương, nhà trường.
Do đó, các trường có thương hiệu có xu hướng xét dựa trên điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hay chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT… Điều này hợp lý bởi các kỳ thi này được thiết kế dùng cho xét tuyển vào đại học. Nhưng khi các trường sử dụng đa dạng phương thức trên, chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp ngày càng giảm, tính bất công bằng lại lộ ra, bởi không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để học và thi các kỳ thi riêng hay lấy chứng chỉ quốc tế. Sự bất công bằng này đã được Bộ nhiều lần chỉ ra.
Tuy nhiên, việc khống chế 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, theo ông Lập, vẫn không giúp việc tuyển sinh trở nên công bằng.
Ông phân tích quy định này có ưu điểm là chỉ tập trung tuyển những thí sinh thực sự nổi trội trước. Nhưng việc các trường tuyển bằng nhiều phương thức lại không phụ thuộc vào việc xét sớm hay muộn (trước hay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Các trường có thể vẫn sử dụng tiếp các phương thức trên ở kỳ xét tuyển chung, sau khi dành 20% xét sớm. Điều này làm quá trình tuyển sinh trở nên phức tạp, do độ ảo tăng, thí sinh cũng phải chờ đợi.
Về lý thuyết, các trường vẫn có quyền giảm mạnh, thậm chí không dùng kết quả thi tốt nghiệp ở đợt xét tuyển chung, dành chỉ tiêu cho những phương thức khác.
“Như vậy, bài toán bất công bằng cho những thí sinh ở khu vực khó khăn, không có điều kiện học và thi các kỳ thi riêng và chứng chỉ quốc tế, vẫn không được giải quyết”, ông Lập nói.
Đồng tình, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho rằng việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm chủ yếu mang tính kiểm soát hành chính. Bởi không có căn cứ khoa học nào chứng minh giới hạn này là công bằng cho thí sinh và các trường.
Theo ông, công bằng trong tuyển sinh là làm sao để tất cả thí sinh có cơ hội như nhau khi tiếp cận các kỳ thi, phương thức xét tuyển. Hiểu theo cách này, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không những không mang lại công bằng, mà còn có thể tạo ra sự bất bình đẳng.
Ông đặt giả thuyết các trường vẫn sử dụng 80% chỉ tiêu ở đợt xét tuyển chung để xét bằng chứng chỉ ngoại ngữ, hay điểm thi đánh giá năng lực thì “giới hạn xét tuyển sớm không thay đổi được điều gì”. Thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận, ôn luyện các kỳ thi này.
“Con số 20% rất phiến diện, chủ quan, ảnh hưởng quyền tự chủ của các trường. Cơ quan quản lý nên đóng vai trò là ‘bà đỡ’ đưa ra giải pháp, điều chỉnh phù hợp, không nên áp đặt cơ học”, ông nói.
Theo khảo sát hôm 22/11 của VnExpress, khoảng 70% trong hơn 16.000 người tham gia cho rằng dự kiến siết xét tuyển sớm hạn chế lựa chọn của thí sinh và quyền tự chủ của các trường.
Một vấn đề bất khả thi khác được TS Vinh chỉ ra là quy đổi điểm các kỳ thi về chung một thang điểm. Theo ông, các kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực hay học bạ có bản chất khác nhau. Việc quy đổi điểm tương đương đòi hỏi phải có dữ liệu về phân phối chuẩn của từng kỳ thi trong 3-5 năm với mẫu phân tích lớn, cùng hàng loạt kỹ thuật so sánh, khảo thí phức tạp.
“Với hơn 100 tổ hợp xét tuyển và hàng loạt phương thức, việc xây dựng hệ quy đổi đòi hỏi dữ liệu khổng lồ và nghiên cứu sâu rộng, điều mà hiện chưa được thực hiện. Quy đổi không chính xác sẽ gây bất công và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào”, ông nói.
So sánh giữa kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức và thi tốt nghiệp THPT đã cho thấy sự khác biệt rất lớn về số lượng môn, nội dung thi. Do đó, quy đổi về cùng thang điểm cho hai kỳ thi này “rất khập khiễng”.
Theo TS Vinh, Bộ nên để các trường tự do xét tuyển sớm nhưng yêu cầu công bố chính xác chỉ tiêu dành cho từng phương thức, tránh để chỉ tiêu theo kiểu ước chừng như hiện nay.
“Thay vì kiểm soát chỉ tiêu, đưa ra giới hạn cơ học cho xét tuyển sớm, Bộ có thể điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật ở từng phương thức để đảm bảo công bằng”, ông Vinh nói.
Ông lấy ví dụ xét tuyển học bạ thời gian qua không được tin cậy do có sự chênh lệch trong đánh giá giữa các địa phương, nhà trường. Bộ có thể tăng kiểm soát hoặc mỗi năm có 1-2 đợt thi đề chung cả nước để đảm bảo đánh giá như nhau.
Còn theo ông Lê Hữu Lập, nếu vẫn muốn siết về mặt chỉ tiêu, Bộ nên khống chế chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp cho các trường, chẳng hạn không thấp hơn 20-30%. Bởi nếu để chỉ tiêu này quá nhỏ, cơ hội vào đại học của các em giỏi ở vùng khó khăn là rất khó, khi điểm chuẩn bị đẩy lên quá cao.
Ông lấy ví dụ một ngành tuyển 60 chỉ tiêu và chỉ dành 5% xét bằng điểm thi tốt nghiệp, tức chỉ ba thí sinh có cơ hội vào ngành yêu thích. Như vậy, thí sinh đạt hơn 28 điểm vẫn có thể trượt. Trong khi những thí sinh đạt mức này ở kỳ thi tốt nghiệp cũng rất giỏi.
Tất nhiên, theo ông Lập, công bằng khó đạt được đến tuyệt đối. Ví dụ trong tuyển sinh, việc xét kết quả học bạ gây mất công bằng vì không có chuẩn chung, chất lượng có thể phản ánh không đúng. Tuy nhiên, một số trường tuyển sinh khó khăn vẫn phải dùng. Đây là quyền tự chủ của các trường.
Muốn công bằng nhất, theo điều kiện ở Việt Nam, ông Lập cho rằng trong tương lai có thể xem xét mô hình của Trung Quốc và Hàn Quốc, tức cả nước có một kỳ thi chung để chọn người giỏi vào đại học. Còn nếu để các trường chủ động, cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các trường, mà nên tạo một hành lang pháp lý phù hợp.
TS Nghĩa Trần, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Australia, cũng cho rằng Bộ nên để các trường tự chủ tuyển sinh, có trách nhiệm giải trình mà không cần can thiệp quá sâu đầu vào. Nếu tuyển được thí sinh tốt, trường sẽ đỡ vất vả khi đào tạo, còn nếu làm xuề xòa, họ sẽ phải chịu gánh nặng.
Vấn đề cần bàn, theo ông là siết đầu ra đảm bảo đúng chất lượng theo yêu cầu để tạo sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nghề nghiệp tương lai của mỗi sinh viên. Thứ hai, việc này cần đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong việc chọn lựa được nhân viên có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc.
“Và đó cũng là cách giúp học sinh và phụ huynh cải thiện cách hoạch định tương lai và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao dân trí”.
Dương Tâm – Lệ Nguyễn
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/siet-xet-tuyen-som-khong-giup-cong-bang-hon-4821480.html