‘Siêu ủy ban’ quản lý hàng triệu tỷ đồng sắp dừng hoạt động

Yêu cầu sắp xếp khoa học, hiệu quả

Chiều 6/12, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính, các đơn vị khác. Ông Phớc đề nghị Ủy ban cần họp với các tập đoàn, tổng công ty, bộ ngành sắp xếp hợp lý để đảm bảo hiệu quả, phù hợp.

“Đây là vấn đề cần làm và phải làm thật nhanh”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói và đề nghị Ủy ban cần tập trung cho việc này một cách khoa học, hiệu quả nhất, tránh tâm lý hoang mang, dao động.

‘Siêu ủy ban’ quản lý hàng triệu tỷ đồng sắp dừng hoạt động ảnh 1

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị ủy ban cần tập trung việc sắp xếp một cách khoa học hiệu quả nhất, tránh tâm lý dao động.

Cùng với việc sắp xếp lại bộ máy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Thực tế mô hình quản lý của Ủy ban không được quy định trong luật mà đưa vào nghị định. Thời gian qua, sự phối hợp giữa các Ủy ban và bộ ngành chưa đồng bộ, xảy ra xung đột.

“Quan điểm là đưa doanh nghiệp về các bộ, ngành liên quan và tất nhiên hệ thống cán bộ cũng đi theo. Thế nhưng mối quan hệ giữa quản lý vốn và quản lý ngành, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý quản thế nào là vấn đề phải tính toán để có hiệu quả”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – cho biết, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hằng năm. Tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển.

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách hằng năm của cả nước.

‘Siêu ủy ban’ quản lý hàng triệu tỷ đồng sắp dừng hoạt động ảnh 2

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban, sau quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Cụ thể như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty: Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực miền Nam, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam…

Đặc biệt, sau hơn 5 năm chuyển giao về Ủy ban, đến nay các đơn vị chưa phát sinh sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. Một số trường hợp bị xử lý kỷ luật, khởi tố là do có liên quan sai phạm phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban.

Lãnh đạo Ủy ban cũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế kể từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay như chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động còn mang tính chất hành chính; chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra… Nguyên nhân là khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban hoàn toàn dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn…

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo kế hoạch được Chính phủ ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và cơ quan liên quan.

Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty (hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Đối với một số tập đoàn lớn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/sieu-uy-ban-quan-ly-hang-trieu-ty-dong-sap-dung-hoat-dong-post1698277.tpo