Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hôm 27-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề quan trọng của thủ đô là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu nhiệm vụ trước mắt của TP Hà Nội là xử lý ô nhiễm nguồn nước, nhất là sông Tô Lịch.
Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Sông Tô Lịch dài hơn 14 km, chảy từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy ra sông Nhuệ – đoạn qua xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Ước tính mỗi ngày, sông này phải tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả lớn nhỏ, vì vậy ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Hơn 10 năm qua, UBND TP Hà Nội phải tập trung nhiều nguồn lực để hồi sinh các đoạn sông Tô Lịch chảy qua nội thành nhưng vẫn chưa giúp dòng sông này xanh, sạch trở lại. Đơn cử, năm 2009, TP Hà Nội từng có đề án bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án này không được triển khai.
Tới năm 2019, TP Hà Nội thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Thời điểm đó, nhiều người dân sống trong khu vực kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ hết ô nhiễm nhờ công nghệ xử lý mới. Song, sau đánh giá ban đầu, phương án này vẫn chỉ là thí điểm, không được nhân rộng.
Đến tháng 12-2024 này, người dân Hà Nội tiếp tục hy vọng khi sau 8 năm xây dựng, ngày 1-12, dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) bắt đầu vận hành thử nghiệm trong vòng 6 tháng, với công suất 100.000 m3/ngày đêm. Dự án Yên Xá được kỳ vọng sẽ làm sống lại sông Tô Lịch, khi lượng nước thải của các hộ dân sẽ không còn đổ ra sông này mà chảy vào đường ống thu gom để đưa về nhà máy xử lý.
Tại buổi kiểm tra tiến độ dự án Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt. Theo đó, phải bảo đảm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch khi nước thải đã được thu gom theo đường ống về nhà máy Yên Xá để xử lý.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngừng bơm nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh các đơn vị liên quan cần phải tính tới phương án làm nhanh đường ống ngầm dẫn nước sông Hồng vào sông Tô lịch.
Ông Trần Sỹ Thanh đưa ra thời hạn 3 tháng để thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công hệ thống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập vào hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. “Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện thế nào, đến ngày 2-9-2025 phải hoàn thành công trình. Trong quá trình thực hiện, phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường, hệ sinh thái hồ Tây” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Cần giải pháp đột phá
Đề cập giải pháp cứu sông Tô Lịch, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết đơn vị đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các sở – ngành, quận – huyện liên quan khảo sát vị trí hệ thống bổ cập nước từ sông Hồng. Theo đó, các sở – ngành sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đưa ra giải pháp khoan kích ngầm qua đê để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Tuy nhiên, ông Phong cho hay Bộ NN-PTNT không đồng ý với phương án này.
Trao đổi với phóng viên, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng việc đưa nước sông Hồng vào Tô Lịch để làm sống lại dòng sông này là rất cần thiết. Trước đây, các phương án đều phải dùng nước sông Hồng vì không có nguồn nào khả thi hơn.
“Ngày xưa đã có hệ thống đưa nước từ sông Hồng vào hồ Tây, rồi từ hồ Tây vào sông Tô Lịch. Tôi biết hệ thống này vẫn còn hoạt động. Có người đề xuất mở cống mới từ sông Hồng chạy thẳng vào Tô Lịch. Song, tôi cho rằng không nên làm cống mới vì dòng chảy trên sông Hồng không ổn định. Nhìn qua vệ tinh, thỉnh thoảng chúng ta thấy ven bờ sông Hồng có chỗ nước đứng lại, xoáy và quét vào bên trong” – GS-TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, cần phải có giải pháp đột phá thay vì dùng ống để dẫn nước vào. Nguyên nhân là do mực nước sông Hồng không ổn định. Ông gợi ý có thể nghiên cứu làm trạm bơm thuyền, tức đặt máy bơm công suất cao trên thuyền, mực nước lên hay xuống cũng đều bơm được. Giải pháp này đang được ngành thủy lợi sử dụng rất hiệu quả và TP Hà Nội nên nghiên cứu, sẽ phù hợp hơn việc dùng đường ống.
“TP Hà Nội đang rất quyết liệt hồi sinh sông Tô Lịch. Tôi kỳ vọng lần này, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân thủ đô” – GS-TS Võ Trọng Hồng bày tỏ.
Người dân mong mỏi
Theo PGS-TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, hồi sinh được sông Tô Lịch là điều rất tốt, người dân Hà Nội ai cũng mong mỏi. Dòng sông như là mạch máu của một vùng đất. Hơn nữa, sông Tô Lịch còn gắn với lịch sử phát triển của Hà Nội.
Do vậy, việc làm sạch sông Tô Lịch là hết sức cần thiết, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào. Bà An cho rằng nên giao rõ đơn vị thực hiện, gắn với trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, cần đặt mục tiêu cụ thể về thời gian thực hiện, nêu rõ nguồn lực, công nghệ…; đồng thời người dân cần được quyền giám sát quá trình này.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/som-hoi-sinh-song-to-lich-196241205202957496.htm