Stress có làm trầm trọng thêm viêm mũi dị ứng?

Trả lời:

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà. Triệu chứng phổ biến là ngứa, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, đỏ và ngứa mắt, chảy nước mắt…

Căng thẳng không phải là tác nhân gây dị ứng nhưng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Khi căng thẳng, cơ thể tăng tiết hormone cortisol. Nếu căng thẳng kéo dài, tăng tiết cortisol dễ dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây dị ứng, từ đó làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Ngoài cortisol, cơ thể còn giải phóng histamine khi bị căng thẳng. Mức histamine tăng cao trong máu cũng làm tình trạng dị ứng tồi tệ hơn.

Bác sĩ Trung Nguyên nội soi mũi cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Căng thẳng kéo dài còn thúc đẩy tăng phản ứng viêm, khiến triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng, kéo dài và khó kiểm soát hơn. Người bệnh viêm mũi dị ứng cũng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên nếu căng thẳng thường xuyên và liên tục.

Mối quan hệ giữa căng thẳng và dị ứng diễn ra theo cả hai hướng. Căng thẳng khiến viêm mũi dị ứng tồi tệ hơn và triệu chứng viêm mũi dị ứng nặng làm người bệnh căng thẳng hơn. Căng thẳng tăng phản ứng viêm và độ nhạy cảm của cơ thể với các tác nhân dị ứng, suy giảm hệ miễn dịch, làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi dị ứng.

Bạn có thể kiểm soát viêm mũi dị ứng bằng cách quản lý tình trạng căng thẳng và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Một số bài tập như thiền, yoga, đi bộ thúc đẩy cơ thể giải phóng endorphin – một loại hormone “hạnh phúc” tự nhiên, góp phần giảm căng thẳng. Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng) mỗi đêm, ăn uống lành mạnh, tránh các tác nhân gây kích ứng cũng có lợi cho sức khỏe tinh thần.

Nếu triệu chứng viêm mũi dị ứng kéo dài, bạn cần đến bác sĩ tai mũi họng khám, không tự ý mua thuốc uống. Bởi viêm mũi dị ứng không điều trị đúng cách, có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp – mạn tính, polyp mũi xoang. Lúc này, điều trị sẽ tốn kém chi phí, chất lượng cuộc sống suy giảm.

ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/stress-co-lam-tram-trong-them-viem-mui-di-ung-4818269.html