Phải nâng mức giảm trừ, căn cứ theo mức sống thực tế
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Để “bảo vệ” cho việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh kể trên, có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tại Việt Nam hiện gấp hơn 2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính quốc tế – Học viện Tài chính cho rằng nói như vậy là “chưa hiểu đầy đủ”.
Ông dẫn chứng, ở Singapore, người dân thu nhập 40.000-60.000 USD/năm, trong khi chỉ cần khoảng 20.000 USD là có thể sống tốt. Trong khi, thu nhập bình quân của Việt Nam quá thấp so với nhu cầu, mức sống thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội, TPHCM,… với đủ khoản chi tiêu như thuê nhà, ăn ở, học hành, khám chữa bệnh… thì rất khó đủ sống.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, cần phải tăng thêm.
“Theo tôi, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mức giảm trừ nên ở khoảng 16-18 triệu đồng/tháng trở lên”, ông Thịnh góp ý.
Người dân đang phải gồng gánh nhiều khoản chi tiêu. Ảnh: Thạch Thảo. |
Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cũng đề xuất mức giảm trừ gần sát như trên, từ 14-16 triệu đồng/tháng với người nộp thuế.
“Ở Hà Nội, 60-70% người dân phải đi thuê nhà, tiền thuê khá tốn kém, chưa kể nhiều khoản chi phí khác. Mức 11 triệu đồng/tháng là quá thấp. Còn với người phụ thuộc, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể đủ được. Theo tôi, ít nhất cũng phải để mức từ 5-7 triệu đồng trở lên”, ông nói.
Nhận xét ở những thành phố lớn, chi tiêu và giá cả rất đắt đỏ, ông Thức nhấn mạnh: “Phải để người dân đảm bảo mức sống tối thiểu rồi mới tính chuyện thu thuế. Đừng để có nhiều người âm thu nhập mà vẫn cứ phải nộp thuế”.
Nên linh hoạt cách tính theo vùng
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… có mức khác với những tỉnh thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thức đồng tình với việc có thể tham chiếu mức lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu tối thiểu vùng để có cơ sở xác định mức giảm trừ phù hợp. Bởi ông lập luận, nguyên tắc đánh thuế TNCN là đảm bảo mức sống tối thiểu cho những đối tượng cần đánh thuế. Nếu dùng một chính sách áp dụng chung cho cả 63 tỉnh thành thì khó tạo được công bằng.
Ông Thức đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính về việc Quốc hội có thể giao Chính phủ linh hoạt quy định mức giảm trừ gia cảnh theo từng giai đoạn, từng vùng, tham chiếu với mức thu nhập. Tuy nhiên, cũng cần khảo sát trên diện rộng để có con số thống kê, làm cơ sở cứ từ đó tính ra phương án hài hòa, hiệu quả nhất.
Cả hai chuyên gia đều thống nhất quan điểm, không thể chỉ dựa trên mức lạm phát và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.
“Tôi e rằng các cách tính CPI, quan điểm tính, số liệu cập nhật chưa phải là tiêu chí chuẩn để làm cơ sở để tính được mức giảm trừ”, ông Thức nói.
Bổ sung một số khoản giảm trừ để đảm bảo tính nhân văn
Trên thực tế, không ít người có mức thu nhập phải chịu thuế TNCN nhưng thường xuyên phải đi bệnh viện vì người thân đau ốm, dẫn tới phải chi rất nhiều nên tính ra cũng không dư dả gì, thậm chí nhiều lúc còn thiếu trước hụt sau. Vì thế, thuế TNCN trở thành gánh nặng với họ.
“Họ phải có dư thì mới nộp thuế. Nếu người ta phải đi chữa bệnh, có đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh thì cũng nên giảm trừ khoản này. Đấy mới là nhân văn”, ông Thịnh đề xuất.
Mặt khác, với những khoản từ thiện, đóng góp cho xã hội,… ông Thịnh cho rằng cũng cần tính giảm trừ, không nên bắt đóng thuế nữa.
Đánh giá cao tính hợp lý của việc đưa các khoản từ thiện, nhân đạo, chi phí y tế, giáo dục vào nhóm giảm trừ, ông Thức lưu ý thêm: Phải quy định rõ điều kiện, đối tượng, thời gian hưởng giảm trừ từ các khoản chi phí y tế, giáo dục. Chẳng hạn, với chi phí giáo dục, nên khống chế trong độ tuổi đi học, chứ không nên tính cho những người rảnh rỗi, có điều kiện học thêm văn bằng 2, 3, 4, 5… Cần giữ đúng bản chất là giảm trừ gia cảnh.
Chỉ nên để biểu thuế 5 bậc, giảm mức thuế suất tối đa xuống 25%
Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay được chia thành 7 bậc thuế suất: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét: “Biểu thuế 7 bậc là quá nhiều, chỉ nên 5 bậc để dễ tính thuế, nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên. Khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp”.
Đặc biệt, về mức thuế suất, ông Thịnh lưu ý: Các nước đều có xu hướng giảm. Singapore hay các nước xung quanh chỉ để mức cao nhất 20-25%. Việt Nam vẫn giữ mức cao nhất 35% là quá cao. Cần giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thức cũng đồng tình với việc cắt giảm số bậc trong Biểu thuế xuống còn 5 bậc trong giai đoạn này.
“Để đến 7 bậc, cấu trúc tính và cách tính hơi phức tạp, số người biết cách tính thuế rất ít. Chính vì không hiểu cách tính thuế, nhiều người có cảm giác làm bao nhiêu nộp thuế hết, giảm động lực làm kinh tế hoặc tìm cách né thuế. Hệ lụy kéo theo là bộ máy quản lý phải phình to hơn để kiểm soát tốt hơn. Cá nhân tôi rất thích câu: “Phần trăm nhỏ trong quy mô lớn còn hơn số tiền lớn trong quy mô nhỏ”.
Nên chăng, các cơ quan quản lý cân nhắc giảm số bậc trong Biểu thuế, cấu trúc các khoản tính thuế đơn giản, rõ ràng hơn, để người dân cảm thấy công bằng, minh bạch, có động lực phấn đấu tăng thu nhập hơn. Khi đó, số tiền thuế thu được sẽ tăng lên”, ông Thức đề xuất.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/sua-thue-thu-nhap-ca-nhan-muc-giam-tru-gia-canh-can-nang-len-16-18-trieu-dong-2345579.html
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/sua-thue-thu-nhap-ca-nhan-muc-giam-tru-gia-canh-can-nang-len-16-18-trieu-dong-post1695017.tpo