Bà Cúc được chẩn đoán suy thận độ ba hai năm trước, phải uống thuốc để bảo tồn chức năng thận. Gần đây, bà thường xuyên mệt mỏi, hụt hơi, cơ thể suy nhược, đi khám thì tình trạng đã diễn tiến nặng.
BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng Đơn vị Nội thận – Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho hay bà Cúc bị suy thận giai đoạn cuối trên nền suy tim, đái tháo đường. Toàn thân người bệnh bị phù do dư nước, tràn dịch màng phổi. Độ lọc cầu thận (eGRF) giảm còn 6,21 ml/ph/1,73m2 (eGRF bình thường trên 90 ml/ph/1,73m2), cần điều trị thận thay thế. Gia cảnh khó khăn khiến bà muốn bỏ cuộc nhưng con cháu động viên, góp tiền giúp bà chữa bệnh.
Ban đầu, bà được đặt catheter để chạy thận tạm thời, sau bác sĩ Hằng tư vấn mổ cầu tay (phẫu thuật AVF), cung cấp đường vào mạch máu để chạy thận nhân tạo lâu dài. Phương pháp này độ bền cao, ít gây nhiễm trùng và đông máu, giảm nguy cơ hẹp cũng như tắc mạch máu, cung cấp lưu lượng cùng tốc độ máu tốt, ổn định cho quá trình chạy thận.
“Tình trạng suy tim khiến khó lọc máu, bệnh nhân nguy cơ cao biến chứng”, bác sĩ Hằng nói. Chỉ số suy tim (EF) của bà Cúc chỉ còn 33% (bình thường dao động 50-70%), quá tải tuần hoàn. Các bác sĩ tim mạch và nội tiết cùng hội chẩn xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Bà Cúc được theo dõi và điều chỉnh thuốc huyết áp, tim mạch, tiểu đường, thận mỗi lần chạy thận. Máy chạy thận có chế độ riêng cho người suy tim giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi tình trạng tim mạch và huyết áp. Bà được bổ sung sữa ít kali và phốt pho để duy trì sức khỏe thận mà không làm tăng cân, tránh gây áp lực cho tim. Đồng thời bà không ăn mặn, hạn chế uống nước để giảm tải cho thận, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc đạm động vật, chứa axit amin và sử dụng các loại dầu có nguồn gốc thực vật thay thế mỡ động vật.
Con dâu chăm sóc bà Cúc khi tới lọc máu tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Phòng khám cung cấp
Hiện bà chạy thận 3 lần một tuần tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, sức khỏe cải thiện, chức năng thận, tim được bảo tồn, hết phù, không khó thở, ăn uống bình thường và có thể làm việc vặt nhẹ nhàng.
Bác sĩ Hằng khuyên người bệnh chạy thận cần kiên trì và chuẩn bị tâm lý tốt, có sự đồng hành của gia đình để tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh thận mạn sắp chuyển sang giai đoạn 4-5 phải chạy thận nhân tạo nên được mổ cầu tay chạy thận sớm để giảm các nguy cơ, đảm bảo an toàn trong quá trình chạy thận. Thông thường phẫu thuật này được tiến hành trước khi chạy thận 6-8 tuần.
Người bệnh cần ăn uống đầy đủ trước khi lọc máu để tránh hạ đường huyết, bổ sung đủ lượng axit amin cần thiết và khoảng 1,2 g đạm/kg cân nặng mỗi ngày. Ăn thực phẩm chứa nhiều canxi, giàu vitamin C, nhóm B, thực phẩm giàu sắt, folate… hỗ trợ tăng cường sức khỏe.
Hà Thanh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/suy-than-tren-nen-suy-tim-4868017.html