Tác hại của thói quen lướt điện thoại liên tục

Doomscrolling là thuật ngữ chỉ hành động dành nhiều thời gian lướt điện thoại, máy tính và đọc những tin tức xấu, tiêu cực trên mạng xã hội. Cập nhật thông tin hữu ích về sức khỏe, đời sống, thời sự rất quan trọng, song liên tục lướt qua những tin tiêu cực kèm theo nỗi sợ, lo lắng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Tư duy tiêu cực

Lướt mạng thường xuyên, không theo mục đích tích cực có thể gieo vào đầu những suy nghĩ tiêu cực, khiến một người nghĩ nhiều về nó. Dần dần những suy nghĩ này có thể tác động đến tâm lý.

Lo lắng, trầm cảm

Lướt điện thoại liên tục mà không có mục đích cụ thể nào trong đầu có khả năng làm tăng căng thẳng, thậm chí có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm. Điều này là do những suy nghĩ tiêu cực từ các thông tin trên mạng có thể tiếp tục lặp lại trong tâm trí ngay cả khi một người đã ngừng xem. Để tránh tình trạng này, hãy theo dõi các thông tin bổ ích, mang tính giải trí.

Gây nghiện

Lướt điện thoại liên tục cũng có thể gây nghiện và rất khó để thoát khỏi. Nguyên nhân là do nó ảnh hưởng đến dopamine – một chất hóa học trong cơ thể gây ra cảm giác khoái cảm. Sử dụng điện thoại di động lướt mạng có thể kích thích sản xuất và giải phóng dopamine, thúc đẩy nhu cầu đọc tin tức như vậy ngày càng nhiều hơn.

Mất kết nối thực tế

Dòng thông tin mâu thuẫn từ nhiều nguồn khác nhau trên internet có thể dẫn đến nhầm lẫn và hạn chế kết nối bên ngoài. Trong trạng thái tâm trí không tốt, một người dễ có khả năng đưa ra nhiều quyết định sai lầm hơn.

Tác động vật lý

Ngoài các vấn đề về tinh thần phát sinh, thói quen lướt mạng tiêu cực cũng có ảnh hưởng đến thể chất. Cụ thể, nó có thể gây đau đầu, giảm cảm giác thèm ăn, khó ngủ, mất ngủ, đau nhức cơ, căng thẳng và tim đập nhanh.

Một số cách hạn chế lướt mạng xem những thông tin tiêu cực như sau:

Đặt giới hạn thời gian: Đặt ra giới hạn xem thiết bị điện tử khoảng 20 phút mỗi ngày. Sử dụng bộ đếm thời gian, cài ứng dụng nhắc nhở hoặc báo thức để kiểm soát thời lượng tốt hơn.

Phân loại tin tức: Lựa chọn đọc tin tức thông minh và có ý thức. Bỏ theo dõi hoặc tránh tìm kiếm các nguồn cung cấp thông tin tiêu cực.

Giới hạn khu vực không dùng điện thoại trong nhà: Đặt ra quy tắc tránh sử dụng trong bữa ăn, trước khi đi ngủ hoặc trong một số không gian trong nhà nhất định.

Tham gia các hoạt động lành mạnh khác: Thay thế việc lướt mạng xã hội bằng việc đọc sách, viết nhật ký, tập thể dục hoặc dành thời gian ở ngoài trời.

Sử dụng điện thoại có ý thức: Trước khi nhấp vào tin tức bất kỳ, đặt ra câu hỏi xem việc đọc tin tức có cung cấp thông tin nào không hay khiến bạn căng thẳng.

Bảo Bảo (Theo Times of India)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tac-hai-cua-thoi-quen-luot-dien-thoai-lien-tuc-4870370.html