Tại sao động đất khó dự đoán chính xác?

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar hôm 28/3, sau đó vài phút xuất hiện dư chấn 6,7 độ khiến 1.700 thiệt mạng, phá hủy nhiều tòa nhà, làm sập cầu và hư hại đường sá trên khắp nước này. Trước đó, không có thông tin cảnh báo nào.

Trận động đất tại Myanmar khiến Thái Lan bị rung chấn ở nhiều khu vực. Tòa nhà đang thi công ở thủ đô Bangkok bị sập. Giới chức Thái Lan cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng, cùng nhiều người bị thương và mất tích. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra “rất tức giận về sự chậm trễ của hệ thống liên lạc khẩn cấp”, theo The Nation. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trung tâm Cảnh báo thảm họa quốc gia và Bộ Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai (DDPM) nước này giải thích “động đất vốn không thể đoán trước”. Trên trang BBC, các nhà khoa học cũng cho biết động đất không thể dự đoán.

Lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mắc kẹt trong tòa nhà đổ sập do động đất tại Naypyitaw, Myanmar ngày 29/3. Ảnh: AP

TS Lucy Jones, nhà địa chấn học làm việc ở Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), đã nghiên cứu nguy cơ xảy ra động đất và nâng cao khả năng chống chọi thảm họa trong suốt hơn 3 thập kỷ.

Theo Jones, với 100.000 trận động đất có thể phát hiện trên thế giới mỗi năm, việc người dân muốn có cảnh báo là đương nhiên. Có hàng loạt yếu tố địa chất phức tạp dẫn tới động đất. Quy mô của động đất hình thành trong khi sự kiện đang xảy ra.

Các nhà khoa học biết nguyên nhân dẫn tới động đất là do chuyển động đột ngột dọc đường đứt gãy, nhưng dự đoán sự kiện như vậy không thể thực hiện trong tương lai gần. USGS có thể tính toán khả năng động đất ở một khu vực cụ thể trong vòng vài năm, nhưng không thể chuẩn xác hơn nữa.

Ghi chép địa chất cho thấy một số loại động đất lớn nhất xảy ra với mức độ thường xuyên nhất định. Đới hút chìm Cascadia trượt 300 – 500 năm một lần, đều đặn khuấy động vùng ven biển tây bắc Thái Bình Dương với siêu sóng thần cao 30,5 m. Trong khi đứt gãy San Andreas ở Nam California cũng là nguồn gốc của một trận động đất lớn tiềm ẩn, động đất mạnh xảy ra tại đó 200 – 300 năm/lần.

Theo USGS, dự đoán động đất hữu dụng phải bao gồm 3 yếu tố rõ ràng gồm thời gian, địa điểm và quy mô động đất. Dù không thể dự đoán trước động đất, các chuyên gia nhấn mạnh cần chuẩn bị ứng phó sự kiện. Mỗi năm, vào ngày thứ 5 thứ ba của tháng 10, hàng triệu người Mỹ tham gia vào cuộc diễn tập động đất lớn nhất trên Trái Đất mang tên The Great Shake Out. Ngoài ra, cư dân ở Bờ Tây nước Mỹ sử dụng hệ thống cảnh báo trên điện thoại mang tên ShakeAlert do USGS duy trì. Hệ thống hoạt động thông qua phát hiện sóng áp suất phát ra bởi động đất. Dù không thể dự đoán khi nào động đất xảy ra trong tương lai xa, hệ thống đưa ra cảnh báo trước vài giây có thể giúp cứu sống sinh mạng.

Vì sao động đất khó dự đoán?

 
 
Vì sao động đất khó dự đoán?

Vì sao động đất khó dự đoán? Đồ họa:TED-Ed

An Khang (Tổng hợp)

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tai-sao-dong-dat-kho-du-doan-chinh-xac-4867832.html