Chiều 28/11, trong buổi tổng kết chương trình thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ san hô tại vườn quốc gia Cát Bà do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức, ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết do ảnh hưởng của bão Yagi đã cuốn trôi 45 quả phao phân vùng sinh thái rạn san hô lắp (trong đó 40 quả lắp từ năm 2013, 5 quả lắp năm 2023).
Từ tháng 10 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của IUCN đơn vị này đã tiến hành thả 5 quả phao tại các vị trí có hoạt động của ngư dân và du lịch sinh thái.
Từ năm 2021, IUCN và vườn quốc gia Cát Bà đã thực hiện dự án giám sát rạn san hô để đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả. Qua hai năm thực hiện tại ba khu vực là Vạn Tà, Ba Đình và Giỏ Cùng cho thấy độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng, nhưng chậm, thành phần loài có độ đa dạng thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Ngải, Viện phó Tài nguyên và Môi trường biển nhận định, các rạn san hô ở Cát Bà chủ yếu bị tác động bởi hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, đánh cá bằng các phương thức hủy diệt, hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái biển.
“Do đó việc đặt phao cảnh báo để hạn chế các hoạt động trên là cần thiết. Tuy nhiên, do diện tích khu vực lớn nhưng hiện số lượng phao còn hạn chế nên cần phải xác định khu vực có nhiều san hô cũng như chịu nhiều tác động của con người để đặt cảnh báo”, tiến sĩ Ngải nói.
Chuyên gia này cho rằng, sau bão Yagi những thiệt hại ở trên cạn có thể đã được xác định tuy nhiên dưới đại dương cũng có những thiệt hại nhất định. Do đó, tiến sĩ Ngải đề nghị cần có nghiên cứu xác định thiệt hại, đặc biệt là với các rạn san hô.
Trong hai năm 2023-2024, IUCN đã thiết lập hệ thống 23 phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ như khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa với diện tích mặt biển khoảng 34 ha.
Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập năm 1986, có tổng diện tích hơn 17.000 ha. Theo các đánh giá của các nhà khoa học, Vườn quốc gia Cát Bà là nơi chứa đựng giá trị cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và đa dạng hệ sinh thái.
Đây cũng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tha-phao-bao-ve-ran-san-ho-o-cat-ba-4821657.html