Ngày 2/11, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024.
Theo đó, số liệu đến hết tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.
So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng.
Tiền gửi của người dân, tổ chức vào ngân hàng tăng liên tục từ năm 2023 đến nay (ảnh: Ngọc Mai). |
Tính chung, chỉ trong tháng 9, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.
Như vậy, tiền nhàn rỗi từ dân cư và doanh nghiệp chảy vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất nhích lên gần đây.
Thực tế, lượng tiền tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp được gửi vào ngân hàng tăng suốt hơn 2 năm qua, dù lãi suất huy động hơn 1 năm trở lại đây thấp kỷ lục, có thời điểm mức bình quân chỉ 3% – 4%/năm.
Về diễn biến lãi suất tiền gửi trên thị trường được áp dụng vào đầu tháng 12 này, một số ngân hàng chiếm thị phần nhỏ tăng nhẹ 0,1 – 0,2%/năm, tùy từng kỳ hạn, so với tháng trước. Hiện, lãi suất huy động trung bình khoảng 6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn cũng nhích lên mức 4 – 5%.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại khi nhìn vào con số tiền gửi vào ngân hàng.
Đây là kênh đầu tư dành cho mọi người dân và hoàn toàn yên tâm “kê cao gối ngủ” bởi trong bất kỳ tình huống nào, tiền gửi luôn được đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, hàng loạt ngân hàng cũng đang điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều kỳ hạn để thu hút tiền gửi sau một thời gian dài giữ ở mức thấp.
Tuy là kênh đầu tư sáng giá nhất nhưng lãi suất không phải là yếu tố cạnh tranh duy nhất. Ngoài lãi suất, các ngân hàng cạnh tranh bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi, tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng, cá nhân hoá theo từng nhóm khách hàng. Đồng thời, tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại vào số hoá sản phẩm, dịch vụ, đa dạng các sản phẩm tiền gửi một cách linh hoạt, tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác đi kèm, có như vậy mới giữ chân được dòng tiền ở lại với ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét, với nhiều người, tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư “ổn”, lãi suất không cao nhưng tương đối an toàn, trong khi ở các kênh đầu tư khác, có kênh đầu tư đòi hỏi chuyên môn, khả năng phân tích như chứng khoán, có kênh lại đòi hỏi suất đầu tư lớn như bất động sản.
Theo ông Thịnh, với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 5-6%/năm vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi.
Trước thực trạng tiền gửi của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng tăng, dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, tiền gửi của người dân, tổ chức vào ngân hàng đều được chuyển hoá thành tín dụng ra nền kinh tế chứ không có chuyện tiền để không trong ngân hàng.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/thay-gi-tu-9000-ty-dong-nguoi-dan-gui-ngan-hang-moi-ngay-post1697043.tpo