Ban đầu anh Tình đau nhẹ vùng bẹn thỉnh thoảng lan xuống mông, đùi, chỉ uống thuốc giảm đau và tiếp tục làm việc nặng, chơi thể thao. Gần đây anh không thể đi lại bình thường, “đau vượt sức chịu đựng, nhiều lúc tinh thần suy sụp”, đau nhất là khi cử động hoặc đứng lâu. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy anh Tình bị thoái hóa khớp háng giai đoạn cuối. Khớp háng tổn thương nặng, sụn khớp gần như không còn, hẹp khe khớp nhiều, biến dạng các đầu xương.
Tương tự, anh Lâm, 24 tuổi, đau cứng khớp háng, dạng khép háng khó khăn, không thể ngồi xổm. Kết quả chụp X-quang cho thấy anh bị thoái hóa khớp háng do biến chứng từ bệnh hoại tử chỏm xương đùi không điều trị, gây lún sụp đầu xương đùi.
Ngày 25/11, ThS.BS Trần Ngọc Chọn, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là hai trong số nhiều trường hợp bị hư hỏng khớp háng ở tuổi đôi mươi. Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 trường hợp mắc bệnh ở khớp háng, trong đó 70% người dưới 40 tuổi, 30% ở độ tuổi 20-30. Nhiều trường hợp bị hư khớp háng đến mức phải thay khớp nhân tạo.
Thoái hóa khớp háng là tình trạng lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây nên những cơn đau dai dẳng. Bác sĩ Chọn cho biết bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 50 trở lên, song ngày càng có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu do yếu tố lối sống. Ít vận động hoặc vận động quá sức, lạm dụng rượu bia, thuốc lá và thức ăn nhanh, lạm dụng các loại thuốc có chứa corticoid và chủ quan không điều trị là những yếu tố góp phần thúc đẩy bệnh tiến triển.
“Người trẻ tuổi thường chủ quan với những cơn đau hay cứng khớp nhẹ, tiếp tục hoạt động thường ngày khiến bệnh âm thầm tiến triển, hủy hoại khớp nặng thêm”, bác sĩ Chọn nói.
Nếu được phát hiện sớm, thoái hóa khớp háng có thể điều trị bảo tồn bằng thuốc, tập vật lý trị liệu và thay đổi thói quen sinh hoạt. Các dấu hiệu đau dần cải thiện và biến mất, khớp háng cũng trở lại linh hoạt như ban đầu. Trường hợp điều trị chậm trễ, khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối, cần can thiệp phẫu thuật, thay khớp háng.
Theo bác sĩ Chọn, thách thức khi thay khớp háng cho người trẻ là nhu cầu vận động sau phẫu thuật rất cao nên phải vừa đảm bảo chức năng khớp háng, vừa bảo tồn xương. Khớp háng nhân tạo cần giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn chức năng vận động, có thể thực hiện các tư thế khó như ngồi xổm, xếp bằng, sinh hoạt tình dục, lao động nặng… “Bảo tồn xương tối đa còn giúp người bệnh nếu cần thay khớp lần sau sẽ không phải ghép xương hoặc sử dụng các thiết kế khớp bù xương đắt tiền”, bác sĩ Chọn nói.
Anh Tình và anh Lâm đều không thể điều trị bảo tồn nên được chỉ định thay khớp háng nhân tạo, tránh nguy cơ tàn phế. Trước phẫu thuật, bác sĩ Chọn sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để đo đạc và chọn khớp có kích thước phù hợp nhất với hai người bệnh, tính toán vị trí đặt khớp khi mổ…
Anh Tình được mổ theo kỹ thuật SuperPATH, còn anh Lâm được phẫu thuật bằng đường mổ phía trước ngoài ABMS, đều là những kỹ thuật mổ ít xâm lấn. Bác sĩ tạo vết rạch nhỏ vài cm trên da, tiếp cận phẫu trường mà không cần cắt cơ và bao khớp. Sau đó, bác sĩ loại bỏ phần xương và sụn bị hư hỏng, giữ lại các phần xương khỏe mạnh, thay khớp háng nhân tạo vào. Sau mổ hai ngày, anh Tình và Lâm không còn đau, đi lại vững vàng không cần dụng cụ hỗ trợ. Họ được tập phục hồi chức năng tích cực để phục hồi nhanh hơn và vận động tự nhiên, thoải mái.
Để bảo vệ sức khỏe xương khớp, bác sĩ Chọn khuyên mọi người nói chung, người trẻ tuổi nói riêng, nên thực hiện lối sống khoa học, vận động thường xuyên, chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường như đau, cứng, sưng khớp giúp kịp thời điều trị.
Phi Hồng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/thay-khop-hang-o-tuoi-doi-muoi-4820147.html