Thủ tướng: Cần chính sách khuyến khích cán bộ đi cơ sở khi tinh gọn bộ máy

Ngày 29-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đã chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng: Cần chính sách khuyến khích cán bộ đi cơ sở khi tinh gọn bộ máy- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó tập trung vào một số nội dung như kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; về chỉ tiêu sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

  • Bộ Công Thương “tinh, gọn, mạnh” bộ máy, Phó Thủ tướng nhắn nhủ điều gì?

  • Đồng Nai sắp xếp, tinh gọn bộ máy ra sao?

  • Tinh gọn bộ máy ảnh hưởng 100.000 người, cơ chế chính sách phải vượt trội, mạnh mẽ

Ban Chỉ đạo cũng đã thảo luận về thời gian trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ không thực hiện hợp nhất, sáp nhập. Thảo luận về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy…

Các báo cáo trình bày tại phiên họp cho thấy công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai khẩn trương, cơ bản hoàn thiện đề án. Dự kiến bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng sẽ sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo kế dự kiến, sẽ giảm 12/13 Tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan; 190 đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong thời gian vừa qua, các bộ ngành, cơ quan liên quan đã lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Trong quá trình này, các địa phương cũng tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo ngành dọc tương ứng với việc sắp xếp của Chính phủ.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp và lắng nghe ý kiến xác đáng của các cơ quan, để hoàn thiện các văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh nguyên tắc sắp xếp bộ máy phải đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan phải cập nhật diễn biến tình hình thực tế, gắn với tinh giản, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Theo lãnh đạo Chính phủ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thủ tướng cũng yêu cầu trình phương án phù hợp khi hợp nhất một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Gắn việc sáp nhập, hợp nhất với việc sắp xếp cán bộ, rà soát xử lý các vấn đề tồn tại bên trong.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có phương án sắp xếp “đã chín, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt cần có chính sách khuyến khích cán bộ đi cơ sở.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai và hoàn thành và sau khi hoàn thành thì phải bắt tay ngay vào công việc. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/thu-tuong-can-chinh-sach-khuyen-khich-can-bo-di-co-so-khi-tinh-gon-bo-may-196241229124638852.htm