Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố Quy hoạch TP HCM

Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố 
Quy hoạch TP HCM- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (phải) và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (trái) dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh hội nghị hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, chiến lược, giải pháp đột phá; tạo ra một động lực mới thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò đầu tàu của TP HCM, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để thành phố cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

7 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch 

Chủ tịch UBND TP HCM đã điểm qua những nội dung chính tại Quyết định 1711/2024 phê duyệt Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố 
Quy hoạch TP HCM- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội nghị

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050: TP HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5% – 9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800 -15.400 USD; tỉ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỉ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP; giai đoạn 2021-2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 60%.

Về xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; Chỉ số phát triển con người HDI trên 0,85… 

Về môi trường, tỉ lệ che phủ rừng khoảng 16%… 

Về phát triển kết cấu hạ tầng, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt 30-32 mét vuông. Tỉ lệ tổng diện tích đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16%-26%; tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 100%.

Về quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố 
Quy hoạch TP HCM- Ảnh 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố 
Quy hoạch TP HCM- Ảnh 4.

Đại biểu tham dự hội nghị

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch TP HCM đã xác định phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực và các phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội, quy hoạch đô thị – nông thôn, phát triển các khu chức năng và các khu vực có vai trò động lực,…

Để triển khai thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch thành phố, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết cần thực hiện một số giải pháp chính, gồm: Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn.

TP HCM triển khai hàng loạt dự án trọng điểm

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, dự kiến giai đoạn 2026 – 2030, thành phố dự ước huy động là trên 4,4 triệu tỉ đồng; trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỉ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỉ đồng. 

Thành phố xác định xây dựng 70 dự án trọng điểm. Về hạ tầng, giao thông: Đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài; đường vành đai đô thị: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4; các cầu lớn: cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2; đường sắt: Thủ Thiêm – Long Thành, TP HCM – Cần Thơ,…; đường sắt đô thị số 1-7; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội, Phú Thuận…; Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây…

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự công bố 
Quy hoạch TP HCM- Ảnh 5.

Toàn cảnh hội nghị

Các dự án công nghệ, công nghiệp: Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Trung tâm Dữ liệu, Khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức; khu công nghiệp: Phạm Văn Hai I, II; An Phú; cụm công nghiệp: Láng Le – Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới Sơn B; nhà máy điện LNG Hiệp Phước; Khu công nghệ thông tin tập trung; MegaHub; Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia.

  • Phê duyệt quy hoạch TP HCM, phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,5-9%/năm

    Phê duyệt quy hoạch TP HCM, phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,5-9%/nămĐỌC NGAY

Về phát triển đô thị: Thủ Thiêm, Bình Quới – Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước, đô thị lấn biển Cần Giờ… 

Thương mại – dịch vụ: Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm hội chợ, triển lãm, Trung tâm logistics, khu thương mại tự do.. 

Văn hóa – thể thao: Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng,..

TP HCM sẽ xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch thành phố; phối hợp với các cơ quan sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; chủ động chuẩn bị công tác lập Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố sẽ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (FTZ). FTZ có quy mô khoảng 1.000-2.000 ha tại Cần Giờ, gắn với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái.
Năm khu vực có vai trò động lực

TP HCM quy hoạch phát triển 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 421 ha, trong đó 2 cụm đã đi vào hoạt động; 14 khu du lịch; 4 khu nghiên cứu đào tạo; các công trình, dự án thể thao, văn hóa…

Các khu chức năng khác: Trung tâm tài chính quốc tế bố trí tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm; Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Tây – Bắc; Tây – Nam và vùng Nam thành phố.

Khu vực cần được bảo vệ, tu bổ, phục hồi và khai thác hợp lý là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

5 khu vực có vai trò động lực: Đô thị trung tâm (các quận); TP Thủ Đức; phía Nam (quận 7 và huyện Nhà Bè); huyện Cần Giờ; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-cong-bo-quy-hoach-tp-hcm-196250104145610405.htm