Liên quan đến chuyển nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe tại Hội An giá hàng trăm triệu đồng, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An – trao đổi với PV Tiền Phong về những thông tin chi tiết.
Ông Lanh xác nhận chuyển nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe tại Hội An giá hàng trăm triệu đồng là có, tuy nhiên là câu chuyện của trước đây khi hoạt động này chưa được siết chặt quản lý.
Theo lãnh đạo TP. Hội An, hoạt động xích lô phục vụ du khách có từ năm 1997. Trước khi thành lập Nghiệp đoàn xích lô Hội An (năm 2020) thì mọi thứ rất lộn xộn, phức tạp, có tình trạng người khác bỏ tiền ra mua rồi thuê lại người lao động, có tình trạng chuyển nhượng giá vài trăm triệu đồng.
“Trước kia có tình trạng người này chuyển nhượng cho người khác và hô giá lên hàng trăm triệu đồng, vì chủ yếu là chuyển được hành nghề chứ giá trị thực của xích lô không cao đến mức đó, nhưng sau đó thành phố chấn chỉnh lại. Từ khi có Nghiệp đoàn thì không còn tình trạng chuyển nhượng nữa”, ông Lanh nói.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An. Ảnh: Hoài Văn. |
Nghiệp đoàn xích lô Hội An được thành lập với mục đích sắp xếp lại trật tự hoạt động. Thành viên Nghiệp đoàn là người đạp xích lô từ trước năm 1975, đa phần là người nghèo. TP. Hội An chủ trương duy trì 102 chiếc, không cấp phép thêm.
“Hiện nay, một số người lớn tuổi không làm nổi nữa thì chuyển nhượng cho người thân trong gia đình kế thừa, còn nếu không có người nào có thể kế thừa thì chuyển nhượng cho bà con hay là cộng đồng chứ dứt khoát không có chuyện đại gia vào mua rồi thuê lại người khác làm”, ông Lanh khẳng định.
Việc chuyển nhượng phương tiện là quyền của chủ phương tiện, Nhà nước chỉ thống nhất đối tượng tiếp nhận đảm bảo các điều kiện. Người được chuyển nhượng có thể là anh em trong nhà, người địa phương nhưng phải đảm bảo được các điều kiện theo quy chế của Nghiệp đoàn xích lô. Tuyệt đối không có chuyện lót tay để được chuyển nhượng.
Đạp xích lô chở khách du lịch ở phố cổ Hội An. |
Hoạt động chèo ghe bơi trên sông Hoài có từ năm 2011, ban đầu tự phát từ nhu cầu thả hoa đăng sau đó Nhà nước đưa vào quản lý. Ban đầu có 40 chiếc ghe, sau đó lên 130 chiếc, giao cho phường Minh An quản lý. Đến năm 2020, thành phố rà soát lại toàn bộ hoạt động dịch vụ này để thành lập hợp tác xã (HTX) ghe bơi thì phát hiện có việc chuyển nhượng nên đã chấn chỉnh lại.
“Nhà nước sau đó cấp phép thêm một số phương tiện, con số đặt ra ban đầu là 300 chiếc nhưng thực tế 293 chiếc và dừng không cấp nữa. Người ta nghe phong phanh còn 7 suất nữa thì nghĩ là “phải chung tiền” nhưng hoàn toàn không phải. Lý do dừng không cấp phép nữa là do số lượng như vậy đã đủ, và số lao động đó đã giải quyết được việc làm phù hợp”, ông Lanh khẳng định.
Lãnh đạo TP. Hội An nhìn nhận, hiện nay hoạt động HTX ghe bơi, Nghiệp đoàn xích lô hoạt động tốt. Nhà nước tạo điều kiện cho người dân như bỏ tiền làm 7 cầu cảng, nạo vét sông, chứ không hề thu đồng nào của dân, khẳng định chuyện tiêu cực lót tay để cấp phép, hoàn toàn không có.
Phố cổ Hội An. |
Phó Chủ tịch TP. Hội An cũng cho hay, sắp tới sẽ rà soát lại với trường hợp chuyển nhượng. Trường hợp đúng đối tượng, đủ điều kiện và được HTX ghe bơi hay Nghiệp đoàn xích lô thành phố đồng ý thì sẽ giải quyết cấp phép để bà con đủ tư cách pháp nhân. Nếu có trường hợp đầu cơ rồi cho thuê lại phương tiện thì phải thu hồi.
“Về thông tin chi tiền tỷ để có suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An thì khẳng định là hoàn toàn bịa đặt. Thực chất vấn đề không phải như vậy, thỉnh thoảng có một số người thích câu view, nói tùy tiện thậm chí bịa đặt, xuyên tạc. Chúng tôi đã yêu cầu công an vào cuộc”, ông Lanh thông tin.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/thuc-hu-thong-tin-chi-tien-ty-de-dap-xich-lo-cheo-ghe-o-hoi-an-post1694899.tpo