Chiếc xe có thể chở sau thùng lạnh với dung tích từ 18 – 115 lít, giữ nhiệt từ âm 20 độ C đến 10 độ C. Xe được thiết kế 3 pack pin (2 đặt dưới cốp, 1 đặt dưới gác chân) để đảm bảo dung lượng pin lớn và dòng điện ra ở cường độ cao. Tài xế có thể dùng 3 pack pin cùng lúc để tải dòng điện cao, giúp xe chạy tốc độ tối đa 70 km mỗi giờ. Ở mức nhu cầu vừa phải, người dùng có thể sử dụng 1 hay 2 pin để tiết kiệm.
Thùng lạnh sử dụng nguồn từ 3 pack pin trên xe. Để đảm bảo nguồn điện cho xe chạy và duy trì thùng lạnh, TS Nguyên cùng nhóm cộng sự phát triển một hệ thống quản lý năng lượng (PMS) giám sát toàn bộ điện tiêu thụ trên xe bao gồm nguồn đầu vào, đầu ra. Do nguồn điện luôn thay đổi công suất trong quá trình chạy và vận hành thùng lạnh nên hệ thống PMS giữ vai trò điều tiết điện năng trên xe.
Với 3 pack pin, xe có thể chạy trung bình 150 km (mỗi pack pin 50 km) trong điều kiện trọng lượng một người 70 kg, tốc độ chạy 30 km mỗi giờ. Với việc sử dụng thêm nguồn điện cho thùng lạnh, TS Nguyên cho biết, quãng đường có thể giảm khoảng 20 – 30 km so với việc không dùng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, xe điện tích hợp thùng lạnh cho shipper hiện nay có thể thay thế cho giải pháp thùng lạnh truyền thống sử dụng đá để giữ nhiệt (khả năng giữ nhiệt thấp, chỉ trong vòng 2 – 3 tiếng). Xe gắn thùng lạnh có thể vận chuyển mặt hàng thực phẩm đông lạnh, dược phẩm… hoặc phục vụ kinh doanh lưu động như bán cà phê, kem, hoạt động dã ngoại.
Xe điện tích hợp thùng lạnh là sản phẩm mới nhất do TS Nguyên chế tạo với mục tiêu tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho shipper so với việc sử dụng xe xăng. Chia sẻ về dự án này, anh cho biết ý tưởng xuất phát từ câu chuyện “trong nguy có cơ” 5 năm trước. Khi đó căn phòng hơn 10 m2 trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội là “đại bản doanh” của Nguyên và 4 đồng sự. Trong căn nhà bỏ hoang được sử dụng miễn phí, TS Nguyên cùng các thành viên xây dựng ý tưởng làm xe điện, nhưng dành cho phân khúc cao cấp, tương tự một chiếc SH chạy bằng điện. Trong gần 2 năm đầu, nhóm nghiên cứu tạo ra một số mẫu xe điện, chạy thử. Song, đến cuối 2019, đầu 2020, Covid-19 ập đến làm phá sản kế hoạch thương mại hóa của nhóm.
Cuối năm 2020, TS Nguyên cùng các đồng sự nghiên cứu dòng xe điện sản xuất trong nước với thiết kế “nồi đồng cối đá” đáp ứng khả năng chạy 200 – 300 km mỗi ngày, di chuyển nhiều loại địa hình khác nhau.
Trong 2 năm nghiên cứu, nhóm thiết kế nhiều mẫu, thử trong phòng thí nghiệm và kết hợp các hãng xe công nghệ trải nghiệm. Những phản hồi từ tài xế được nhóm điều chỉnh ở các mẫu sau.
Ngoài tối ưu công năng xe, nhóm cũng tập trung vào trải nghiệm người dùng với thiết kế khoảng cách tay lái đảm bảo không quá gập hay quá thẳng. Yên ngồi được thiết kế có độ nhún vừa. Khu vực gác chân được thiết kế rộng, tạo không gian thoải mái khi tài xế có thể đặt chân và mang thêm hàng hóa. Thiết kế xe giúp tạo cho người lái tư thế ngồi thoải mái nhất, không bị mỏi cơ khi chạy xe trong thời gian dài.
TS Nguyên cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của xe là trên 80% gồm thiết kế cơ khí, điện tử, hệ thống điều khiển IoT. Pin và động cơ điện nhập nước ngoài. Giá xe khoảng 24 triệu đồng. Pin của xe điện có khoảng 2.000 chu kỳ sạc xả, trung bình một ngày một lần sạc có thể sử dụng trong 7 năm và thời gian dùng gấp đôi số lần sạc hai ngày một lần. Chiếc xe có khả năng chống nước và lội qua khu vực ngập sâu dưới 1 m và đảm bảo an toàn.
Đến nay, nhóm đã có 10 bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ cho xe điện và các hệ thống hỗ trợ đi kèm.
Tại sự kiện ra mắt xe điện có thùng lạnh hôm 25/8, dự án khởi nghiệp Selex Motor của TS Nguyên đã ký bàn giao 500 xe cho công ty Giao hàng tiêu chuẩn. Ông Ngô Quang Huy, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết, khi được giao số lượng xe, đơn vị sẽ tổ chức cho nhân viên sử dụng ngay, giúp phần tăng hiệu quả kinh tế cho lái xe, giảm khí thải ra môi trường. “Chúng tôi đánh giá cao thiết kế xe về độ chắc chắn, ổn định. Ngoài ra, pin của xe khi hết có thể đổi ngay tại các trạm, không mất nhiều thời gian so với việc chờ sạc. Điều này rất thuận lợi cho các tài xế trong công việc”, ông Huy nói.
Ông Phạm Viết Dũng, 60 tuổi, lái xe công nghệ tại quận 4 sau trải nghiệm xe chia sẻ, khi ngồi ít bị rung, tay cầm lái nhẹ nhàng nên cảm giác đi xe êm hơn. Tuy nhiên vì sản phẩm mới nên ông băn khoăn về độ bền trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường sá gồ ghề. Ông mong muốn hãng xe điện có nhiều vị trí đổi pin như trạm xăng để người dân thuận lợi và chủ động hơn khi xe hết điện. “Cần thời gian sử dụng đủ lâu để kiểm chứng các chức năng xe nhưng tôi sẽ luôn ủng hộ sản phẩm do người Việt làm ra”, ông Dũng nói.
TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên quê ở Nghệ An. Anh từng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2001. Sau năm đầu đại học, anh giành suất học bổng chuyên ngành điện tử tại Đại học Công nghệ Petronas (Malaysia). Năm 2007, anh học tiếp tiến sĩ tại Đại học Michigan (Mỹ) và tham gia một số dự án xe tự hành, các hệ thống năng lượng trên xe điện. Năm 2014, anh về Việt Nam tham gia khởi nghiệp với các dự án xe điện.
Hà An
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tien-si-viet-che-tao-xe-dien-co-gan-thung-lanh-4646084.html