Sáu trường công lập của Singapore hôm 7/11 lần đầu tiên cùng đến Hà Nội để tuyển sinh. Đại diện các trường cho biết thời gian nhận hồ sơ vào khoảng tháng 1. Hầu hết có quy trình tuyển sinh giống nhau.
Đầu tiên, ứng viên cần nộp học bạ (bản dịch Tiếng Anh). Tuy các trường không đưa ra mức cụ thể, song ứng viên có điểm số “càng cao càng tốt”.
Tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), học sinh nộp điểm lớp 12 cùng bằng tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi. Nếu học chương trình quốc tế, các em có thể nộp điểm A-level hoặc điểm dự đoán IB (bằng Tú tài quốc tế).
Bà Lynette Ang – Giám đốc tuyển sinh, cho biết SUTD mạnh về các ngành STEM nên quan tâm đến điểm số môn Toán và các môn Khoa học.
“Lý tưởng nhất là điểm từ 9”, bà Ang nói.
Nếu học chương trình Việt Nam, ứng viên cần có chứng chỉ IELTS 6.5 hoặc tương đương trở lên. Riêng NTU, yêu cầu chỉ là 6.0, trong khi SUTD là 7.0.
Các đại học còn yêu cầu điểm bài thi chuẩn hóa SAT/ACT. Như tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), học sinh cần đạt điểm SAT tối thiểu là 1350/1600 hoặc ACT 29/45, tùy ngành. Còn ở Viện Công nghệ Singapore (SIT), các em có thể nộp thêm điểm bài thi AP (môn học nâng cao, phổ biến ở các trường phổ thông Mỹ).
Ngoài ra, nhiều trường bắt buộc ứng viên có thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa, portfolio (hồ sơ năng lực). Chẳng hạn, để nộp vào SUTD, học sinh cần có ít nhất một thư giới thiệu từ thầy, cô dạy Toán hoặc Khoa học. NTU yêu cầu hoạt động ngoại khóa, còn Đại học Khoa học xã hội Singapore (SUSS) đánh giá thêm về ứng viên qua hồ sơ năng lực.
“Trường muốn xác thực thông tin và biết thêm nhận xét từ giáo viên của các em”, bà Ang cho biết thêm.
Trong khi đó, việc liệt kê hoạt động ngoại khóa hoặc gửi hồ sơ năng lực với video, ảnh, sẽ cho thấy rõ nét tính cách, con người của học sinh, theo ông Vijay Krishman Chandran, Quản lý văn phòng tuyển sinh của NTU.
“Trường muốn xem ngoài học tập, ứng viên là người thế nào. Dựa vào hồ sơ, ban tuyển sinh sẽ hỏi thêm ở vòng phỏng vấn để hiểu các em hơn”, ông nói.
Singapore có 6 đại học công lập. Hai trường nổi tiếng nhất là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – hạng 8 thế giới và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) – hạng 15, theo QS 2025.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, nước này hiện có khoảng 9.000 du học sinh Việt. Singapore hấp dẫn học sinh và phụ huynh vì khoảng cách gần, chi phí rẻ hơn so với Mỹ hay Anh.
TT | Tên trường | Xếp hạng (QS 2025) |
Học phí năm học 2024-2025 |
1 | Đại học Quốc gia Singapore (NUS) | 8 | 24.500-130.000 |
2 | Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) | 15 | 26.000-62.000 |
3 | Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) | 440 |
46.400 |
4 | Đại học Quản lý Singapore (SMU) | 585 | 35.000-38.000 |
5 | Đại học Khoa học và Xã hội Singapore (SUSS) | không được xếp hạng | 25.000 |
6 | Viện Công nghệ Singapore (SIT) | không được xếp hạng | 28.000-32.000 |
Chính phủ Singapore nhiều năm qua có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên quốc tế, lên tới 50%. Ví dụ, du học sinh diện này ở NUS chỉ đóng khoảng 57.600 USD nếu theo ngành Y khoa, bằng khoảng một nửa so với học phí gốc. Điều kiện là họ phải làm việc cho một doanh nghiệp của Singapore ba năm sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, nước này cấp học bổng ASEAN bậc đại học, tại ba trường NUS, NTU và SMU. Sinh viên được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí khoảng 6.600 USD mỗi năm. Từng trường cũng có học bổng riêng, như học bổng toàn phần Lee Kong Chian của SMU.
Về sinh hoạt phí, NUS ước tính du học sinh cần khoảng 7.900 USD (200 triệu đồng) mỗi năm, bao gồm tiền ăn, ở, đi lại và các phụ phí ở đại học.
Bình Minh
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tieu-chi-xet-tuyen-cua-6-dai-hoc-cong-lap-singapore-4813459.html