Tim ngừng đập tạm thời do rối loạn nhịp

Tần suất ngất ngày càng dày, bà Kim đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. BS.CKI Lê Minh Quân, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, cho biết ngất xỉu là do lượng máu lên não không đủ gây mất ý thức đột ngột trong thời gian ngắn. Ngất không phải một bệnh mà là triệu chứng của một số tình trạng như rối loạn nhịp tim, co giật, lượng đường trong máu thấp.

Bà Kim được đo điện tâm đồ gắng sức nhưng không ghi nhận bất thường, bác sĩ chỉ định bà thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng. Cụ thể, người bệnh nằm trên một chiếc bàn đặc biệt có thể nâng lên từ 60 đến 80 độ trong lúc bác sĩ theo dõi huyết áp và nhịp tim. Phương pháp này có tác dụng kích thích, khởi phát tình trạng ngất ẩn giấu, thường áp dụng cho người ngất nhiều lần mà không xác định được nguyên nhân. Kết quả cho thấy có lúc tim bà Kim ngừng đập hơn 20 giây.

Cùng điều trị cho bà Kim, GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc trung tâm Tim mạch Can thiệp, giải thích khi tim ngừng đập tạm thời, hiệu quả bơm máu giảm nên lượng máu đến các bộ phận khác, trong đó có não, bị thiếu hụt. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh ngất xỉu nhiều lần. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác như choáng váng, chóng mặt, đau ngực, đe dọa tính mạng.

Để kiểm soát nhịp tim, ngăn những cơn ngất xảy đến bất chợt, giáo sư Nhân chỉ định đặt máy tạo nhịp tim cho bà Kim. Thiết bị có khả năng theo dõi, phát hiện hoạt động tạo nhịp của tim, tự động gửi xung điện qua dây dẫn đến tim mỗi khi nhận thấy tim đập quá chậm hoặc ngưng đập quá lâu. Các xung điện này kích thích làm tim đập đúng theo một tần số đã được cài đặt trước, đều đặn theo chu kỳ.

Giáo sư Nhân kiểm tra vết rạch nơi cấy máy tạo nhịp cho bệnh nhân. Ảnh: Hạ Vũ

Bà Kim tỉnh táo, hồi phục tốt sau can thiệp, nhịp tim duy trì 70-80 nhịp mỗi phút. Vết mổ khô, đường mổ nhỏ thẩm mỹ, không có nguy cơ nhiễm trùng, bà xuất viện hai ngày sau đó.

Sau đặt máy tạo nhịp, người bệnh có thể gặp biến chứng như nhiễm trùng, tụ máu ở vị trí cấy máy, rối loạn nhịp tim do tranh chấp giữa nhịp tự nhiên và nhịp máy, máy tạo nhịp trục trặc. Do đó, bệnh nhân cần đi khám định kỳ để kiểm tra hoạt động của máy và tình trạng tuổi thọ của pin, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống và vận động thể chất phù hợp, tránh tiếp xúc với thiết bị có khả năng nhiễu sóng cao như điện thoại, máy nghe nhạc, máy phát điện… để đảm bảo hoạt động của máy tạo nhịp tim. Khi cơ thể có các biểu hiện khó chịu, khó thở, chóng mặt, choáng, ngất…, cần đến viện ngay.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tim-ngung-dap-tam-thoi-do-roi-loan-nhip-4869394.html