Ngày 11-12, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương. Về phía Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức.
Theo đó, kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng trưởng có cải thiện qua từng năm. Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, tái cơ cấu hiệu quả với chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực được mở rộng, đẩy mạnh, đi đầu trong nhóm chuyển đổi số của tỉnh, kết hợp hiệu quả giữa nông nghiệp – du lịch- thương mại, tư duy kinh tế nông nghiệp dần hình thành thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp trong đại bộ phận nông dân tỉnh.
Ngành lúa gạo giữ vai trò chủ đạo, nhất là xuất khẩu. Năm 2024, lúa gạo lần đầu tiên trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ngành hàng hoa kiểng phát triển đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hóa cho cả nước và xuất khẩu. Ngành hàng sen canh tác theo hướng bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai 161.000 ha tham gia thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đang xây dựng đề án tổng thể; xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ có 621 sản phẩm OCOP, đứng đầu ĐBSCL và đứng thứ 3 cả nước.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, Đồng Tháp kiến nghị với Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai xây dựng “Trung tâm Đầu mối nông sản và Thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười” tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh còn đề nghị đồng ý chủ trương và sớm bố trí nguồn vốn triển khai xây dựng mới Bảo tàng Đồng Tháp Mười tại Khu Di tích Gò Tháp; đồng ý chủ trương thành lập Khu Kinh tế chuyên biệt, quy mô từ 5.000 ha trở lên thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp với các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm kích thích, tạo sức hút mời gọi các đối tác, nhà đầu tư lớn, chiến lược nhằm phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh …
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự phát triển vươn mình vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp của Đồng Tháp và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong thời gian qua.
Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng kết quả đạt được là đáng mừng, song Đồng Tháp là tỉnh biên giới, có tiềm năng lợi thế rất lớn trong giao thương quốc tế. Vì vậy, Đồng Tháp phải nhận diện đầy đủ, từ đó tập trung thúc đẩy các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, công nghiệp…
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và đất nước. Đến năm 2030, phải xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển bền vững ngành nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế mới như: Kinh tế sinh thái, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức, chăm sóc sức khỏe…
“Tỉnh cần quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo; kết hợp tài nguyên bản địa với công nghệ, kiến thức và quản trị tiên tiến nhằm đưa kinh tế Đồng Tháp tiến lên những nấc cao hơn của chuỗi giá trị” – Tổng Bí thư chỉ đạo.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác của Trung ương đã viếng Lăng Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tong-bi-thu-yeu-cau-dong-thap-huy-dong-cac-the-manh-dac-trung-de-but-pha-196241211130358276.htm