Ngày 12-12, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành thuế về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị thủ trưởng và cấp ủy đơn vị tăng cường, thường xuyên, phổ biến, quán triệt các chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động.
Tổng cục Thuế khẳng định kể từ ngày 1-12 đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương, tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp cần tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong tập thể đơn vị, nắm bắt tư tưởng của công chức, viên chức và người lao động để thống nhất trong nhận thức và hành động, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Tổng cục Thuế yêu cầu cùng với việc quyết tâm thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý nội ngành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trong công tác quản lý thuế để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời, thực hiện rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, hành chính…, một cách khoa học, ngăn nắp, dễ tra cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bàn giao hồ sơ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phân loại, sắp xếp có hệ thống các chứng từ, sổ sách kế toán, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, ấn chỉ. Chủ động tổng hợp, thống kê, đối chiếu công nợ, tạm ứng…, để triển khai ngay sau khi Bộ Tài chính có hướng dẫn xử lý tài chính, tài sản trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, mô hình tổng cục thuộc bộ sẽ không còn. Trường hợp cần thiết, các bộ phải báo cáo để Ban Chỉ đạo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Hiện Bộ Công Thương đã đề xuất xóa bỏ Tổng cục Quản lý thị trường.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tong-cuc-thue-khang-dinh-dung-bo-nhiem-tao-dong-thuan-trong-tinh-gon-bo-may-196241212194320987.htm