Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại Đảo Ngọc Ngũ Xã

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại không gian Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 1.

Không gian văn nghệ thời bao cấp với tiếng đàn, tiếng hát mộc mạc thu hút khách tham quan – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sự kiện nằm trong chương trình quảng bá du lịch đêm Hà Nội 2024 – đêm Trúc Bạch nhằm mang đến nhiều trải nghiệm về đêm cho người dân, du khách khi đến Hà Nội.

Toàn bộ không gian sự kiện sẽ được thiết lập như một phim trường với bối cảnh là một khu phố, các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa, hiệu may, hiệu ảnh…

Đi dọc khu phố dài khoảng 200m, du khách như quay ngược thời gian trở lại với ký ức của một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại không gian Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 2.

Các toa tàu điện, quán giải khát, hiệu may, tiệm ảnh… được bố trí dọc con phố dài khoảng 200m – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết bên cạnh những công trình văn hóa vật thể, Hà Nội còn có rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thống nghệ thuật, lễ hội và lối sống thanh lịch của người Tràng An.

Hà Nội, với vẻ đẹp cổ kính và nhịp sống hiện đại hòa quyện, thực sự là điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

“Đảo Ngọc Trúc Bạch” được chọn để tổ chức sự kiện này bởi đây là địa danh được đánh giá có cảnh quan thiên nhiên bình yên, thật chất “nồng nàn Hà Nội”.

“Đây không chỉ là nơi phù hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mà còn có thể phát triển mạnh các dịch vụ như ẩm thực, giải trí, và du lịch trải nghiệm về đêm”, bà Giang chia sẻ.

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 3.

Nhiều bạn trẻ mặc đồ retro, vintage check-in cùng các bối cảnh trưng bày – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các trải nghiệm không gian văn hóa bao gồm: đền Thủy Trung Tiên, hồ Trúc Bạch, đảo ngọc Ngũ Xã, các không gian check-in tại các khu vực trang trí cộng hưởng, kết nối các điểm trong khu vực tuyến phố.

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động tham quan trải nghiệm tuyến tàu điện số 6 – “Bảo tàng đường phố Hà Nội”.

Tại đây, du khách được tương tác cộng đồng theo các chủ đề khác nhau trên bốn toa xe thuộc tuyến tàu điện số 6.

Mỗi toa tàu mang một chủ đề ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam như lúa – thóc – gạo, phở – bún – sợi, bếp – chạn – mâm… và các toa xe như những chuyến tàu chuyên chở di sản, “bảo tàng mini” về văn hóa, ẩm thực.

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 4.

Chị Phạm Thị Nhung, con dâu của làng hoa Ngọc Hà, cẩn thận gói những gói hoa tươi thơm nồng của người Hà Nội – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chỉ nghe những câu chuyện về thời bao cấp qua lời kể của bà, của mẹ, Khánh Linh (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) háo hức khi được tận mắt thấy các gian hàng mang đậm màu sắc thời tem phiếu được tái hiện.

“Bên cạnh các bối cảnh, cửa hiệu được trang trí đậm màu lịch sử, mình rất ấn tượng với những gánh hàng rong. Hồi bé, những gánh hàng rong đầy hoa, các thức quà của Hà Nội được các cô, các bác gồng gánh khắp các con phố đã in sâu trong tâm trí mình.

Lớn lên, những gánh hàng đó được thay bằng xe đẩy khiến mình rất tiếc nuối. Hôm nay được nhìn lại đôi quang gánh, thúng mẹt đầy cốm, hoa gói… mình cảm thấy rất bồi hồi”, Khánh Linh bộc bạch.

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại không gian Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 5.

Đến với Đảo Ngọc Ngũ Xã những ngày này có muôn vàn góc check-in cực phẩm – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngoài ra, đến với Đảo Ngọc Ngũ Xã dịp này, du khách cũng được tham gia các workshop trải nghiệm theo chủ đề như trang trí tem phiếu bao cấp, trò chơi ghép hình, cho thuê trang phục, chụp ảnh theo chủ đề…

Cùng với đó là các trải nghiệm cà phê rang củi, làm túi thơm cà phê, mô hình món ăn siêu nhỏ, tò he… xuyên suốt những ngày diễn ra sự kiện.

Sự kiện diễn ra với nhiều hoạt động thú vị từ nay đến hết ngày 1-12, tại không gian khu phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã.

Trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp tại không gian Đảo Ngọc Ngũ Xã - Ảnh 6.Hoa hậu H’Hen Niê cùng Phở xuống phố thưởng thức quán phở đêm độc đáo nhất Hà Nội

Nguồn bài viết : https://tuoitre.vn/trai-nghiem-ha-noi-thoi-bao-cap-tai-dao-ngoc-ngu-xa-2024112921060968.htm