Tranh về người liều mạng trái lệnh Tần Thủy Hoàng

Theo The Paper, tác phẩm thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka, Nhật Bản, được cho mượn triển lãm tại Bảo tàng Cố cung, Trung Quốc cuối tháng 10. Đây là cổ vật “nặng ký” bậc nhất trong số 380 món đồ xuất hiện cùng đợt triển lãm.

Giới nghiên cứu lịch sử, sưu tầm nhận định tranh lụa xuất xứ thời Đường, tuổi đời hơn 1.200 năm, tác giả là nhà thơ Vương Duy (năm sinh chưa xác định, mất năm 761). Tranh miêu tả Phục Sinh đang giảng sách, bấy giờ nhân vật ngoài 90 tuổi, đầu quấn khăn, mặc áo choàng hở phần vai.

Tác phẩm có lời đề của vua thời Nam Tống, con dấu của các nhà sưu tầm nổi tiếng ở những triều đại sau này.

Phần chính bức “Phục sinh thụ kinh”. Ảnh: DPM

Phục Sinh thụ kinh được gọi là “bức tranh huyền thoại” vì ẩn chứa câu chuyện văn hóa, lịch sử. Người trong tranh – Phục Sinh – chưa rõ năm sinh năm mất nhưng theo một số tài liệu lưu truyền, ông sống đến 100 tuổi, trải qua thời nhà Tần, nhà Hán.

Phục Sinh ham học từ bé, thuộc làu nhiều cuốn sách, am hiểu Thượng thư – cuốn sách của Nho gia về các sự kiện lịch sử. Năm 215 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) ra lệnh “đốt sách chôn nho”, không ai được phép tàng trữ Thượng thư. Đốt sách chôn nho là sự kiện Tần Thủy Hoàng lệnh đốt bỏ sách vở và chôn sống nhiều nho sĩ, nhằm loại bỏ tư tưởng, học thuyết thời Xuân Thu Chiến Quốc, để phục vụ thống trị của nhà Tần.

Bất chấp hình phạt chém đầu, Phục Sinh giấu sách trong vách nhà, sau đó lưu vong. Khi nhà Tần diệt vong, Lưu Bang gây dựng nhà Hán, Phục Sinh quay lại cố hương, tìm lại cuốn Thượng thư nhưng sách đã bị mất mát nhiều. Ông chép lại nội dung, bắt đầu hành trình thuyết giảng, thu nạp đệ tử.

Thời Hán Văn Đế, nhà vua nghe danh tiếng Phục Sinh, truyền gọi ông vào triều nhưng lúc đó Phục Sinh đã ngoài 90 tuổi, không thể vượt đường xa hiểm trở đến kinh thành. Hán Văn Đế bèn sai người đến chỗ ở của Phục Sinh để ghi chép lại Thượng thư. Nhờ đó, cuốn sách quan trọng của Nho gia được lưu truyền.

Ngoài Vương Duy, một số danh họa khác từng tái hiện sự việc, trong đó có bức Phục Sinh thụ kinh của Đỗ Cẩn (thời Minh), hiện lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Mỹ. Trang Wenyi Bao bình luận các họa sĩ không đơn thuần vẽ câu chuyện về bảo vệ, lưu truyền giá trị văn hóa mà còn truyền tải tư tưởng văn minh, qua đề tài Phục Sinh giảng sách.

Nghinh Xuân

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/tranh-ve-nguoi-lieu-mang-trai-lenh-tan-thuy-hoang-4815179.html