Trao giải 106 sản phẩm sáng tạo thanh thiếu niên toàn quốc

Sáng 2/11, Quỹ Vifotec, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã trao Giải thưởng Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2024. Đây là năm thứ 20 cuộc thi tổ chức nhằm tôn vinh, nuôi dưỡng đam mê sáng tạo cho các bạn trẻ. Cuộc thi được coi là bệ phóng để thanh thiếu niên ấp ủ ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, sáng chế với sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội.

Phát biểu tại lễ tổng kết, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi, cho biết năm nay giải thưởng nhận được 907 đề tài tham dự từ 58 địa phương – nhiều nhất từ trước tới nay với chất lượng được nâng lên. Ông đánh giá nhiều sản phẩm, mô hình gắn với cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường, có khả năng vận dụng vào các môn học, vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Phan Xuân Dũng (trái) và bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội đồng TƯ (phải) trao giải đặc biệt cho nhóm học sinh trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội với sản phẩm mô hình địa đạo Củ Chi. Ảnh: Hiếu Hoàng

Năm nay Ban tổ chức trao một giải đặc biệt (phần thưởng 20 triệu đồng), năm giải nhất (15 triệu đồng), 10 giải nhì (10 triệu đồng), 30 giải ba (8 triệu đồng) và 60 giải khuyến khích (5 triệu đồng).

Giải đặc biệt cuộc thi năm nay là mô hình địa đạo Củ Chi của nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). Sản phẩm làm bằng vật liệu thạch cao, bìa carton và các vật liệu tái chế, thân thiện môi trường. Địa đạo được nhóm tạo hình lát cắt với 5 mặt minh họa các chi tiết trên mặt đất và lòng địa đạo, giúp người tham quan có thể hình dung toàn bộ cuộc sống của quân dân Củ Chi, cũng như tính chất khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Lưu Bảo Châu, học sinh lớp 9A7, đại diện nhóm cho biết, sản phẩm sử dụng pin năng lượng mặt trời rất thân thiện môi trường. Nhóm sử dụng cảm biến hiện diện người để lập trình điều khiển bật tắt, chạy và dừng chương trình giúp tiết kiệm điện năng và tạo trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Tại các vị trí trong địa đạo, nhóm đặt bảng tên, tạo mã QR để người dùng tra cứu thông tin mở rộng, tham gia trò chơi, câu hỏi tương tác để tăng kiến thức lịch sử. Với mô hình này, nhóm hướng đến đưa môn lịch sử gần hơn với học sinh, giúp các bạn trải nghiệm hoàn toàn mới khi tiếp cận môn học này. Nhóm kỳ vọng, mô hình có thể kết hợp với các công ty du lịch để giới thiệu tới du khách, giúp họ có trải nghiệm di tích lịch sử khi không có điều kiện để tham quan thực tế.

Thời gian tới, nhóm dự kiến tạo ra các phiên bản khác nhau của địa đạo với kích thước nhỏ hơn, phù hợp với điều kiện dạy học khác nhau. Nhóm dự kiến ứng dụng nghệ tiên tiến như thực tế ảo VR giúp người dùng có thể trải nghiệm ứng dụng như đang di chuyển trong địa đạo thật, dùng nhiều ngôn ngữ đơn để phục vụ đa dạng du khách.

Mô hình địa đạo Củ Chi của nhóm học sinh đoạt giải đặc biệt cuộc thi. Ảnh: BTC

Website khoahocvui do nhóm học sinh THCS tại Hà Nội thiết kế là một trong các sản phẩm giành giải nhất cuộc thi. Website trang bị phòng thí nghiệm ảo 3D dựa trên công nghệ Unity và WebGL giúp các bạn học sinh không có điều kiện làm thí nghiệm thực tế có thể tham gia để trải nghiệm và học tập.

Với cách thiết kế gần gũi với thực tế, phòng thí nghiệm ảo 3D được mô phỏng dựa trên công nghệ Unity và WebGL. Tại đây, người dùng có thể tự làm thí nghiệm từ một ngân hàng gồm gần 200 hợp chất hóa học như kim loại, phi kim, acid, base, muối, oxide kim loại, oxide phi kim… Người dùng tự chọn các chất tham gia từ ngân hàng hóa chất, từ đó cho ra hơn 5.000 phản ứng hóa học đầy màu sắc với các hiện tượng như khí bay lên, kết tủa được hình thành, phản ứng cháy, nổ, nguy hiểm… đến các phản ứng âm thầm, dịu nhẹ hơn như các phản ứng acid – base…

Phòng thí nghiệm ảo 3D sẽ giúp người dùng có được trải nghiệm như khi thực hiện thí nghiệm tại phòng thí nghiệm thực.

Giành giải ba cuộc thi, nhóm học sinh trường THPT Giá Rai (Bạc Liêu) để lại ấn tượng với Robot cào muối do Cao Kim Ngân và Phan Kim Cương thiết kế. Robot có khả năng chạy tự động, bán tự động hoặc điều khiển từ xa, được trang bị các cảm biến đơn giản như cảm biến tiếp xúc để chạy, dừng đúng vị trí.

Robot sẽ cào muối thành hai luống hai bên thân, sau khi cào xong mỗi làn, robot có thể di chuyển ngang hoặc dọc để thuận lợi thao tác trên ruộng muối. Đặc biệt tốc độ di chuyển của robot nhanh, động cơ khỏe nên năng suất cào gấp 5 – 6 lần người lao động thủ công. Để robot có thể chạy tự động, nhóm đã trang bị bộ điều khiển lập trình công nghiệp PLC. Đây là thiết bị bền, chạy ổn định trong điều kiện khắc nghiệt nên phù hợp với sản xuất muối.

Robot cào muối sử dụng pin mặt trời của nhóm. Ảnh: BTC

Giải thưởng sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc là cuộc thi thường niên do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị tổ chức thường niên.

Sau 20 năm có1.848 đề tài được lựa chọn và trao giải với tổng giá trị giải thưởng gần 16 tỷ đồng. Ngoài bằng khen và tiền thưởng của Ban Tổ chức, học sinh đoạt giải cao còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho các đề tài đoạt giải đặc biệt và giải nhất.

Vĩnh Hà

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/trao-giai-106-san-pham-sang-tao-thanh-thieu-nien-toan-quoc-4811427.html