Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình khẳng định dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là công trình có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Việc đầu tư tuyến tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Chính phủ cho rằng công trình này sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị. Dự án được kỳ vọng giúp giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông và tạo ra hàng triệu việc làm. Trong thời gian xây dựng, ước tính công trình góp phần tăng GDP bình quân của cả nước khoảng 0,97%/năm.
Bộ trưởng cho biết tính toán sơ bộ cho thấy trong 4 năm đầu khai thác Nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế tương tự như hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay; số năm hoàn vốn khoảng 33,61.
Việc đầu tư tuyến tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm. “Nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghiệp xây dựng, nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực”, ông Thắng nói.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2019 đề xuất hình thức đối tác công tư (PPP) với phần phương tiện, thiết bị của dự án; đầu tư công sẽ đảm nhiệm phần công trình kết cấu hạ tầng. Khi đó, quy mô kinh tế Việt Nam mới đạt 266 tỷ USD, nợ công 56,1% GDP. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp khoảng 37%. Dự kiến đến năm 2027 khởi công dự án, GDP đạt 564 tỷ USD, nên nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam “không còn là trở ngại lớn”.
Điểm đầu tuyến đường sắt tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế đất nước.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Bắc Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt chưa được quan tâm đầu tư dẫn đến tụt hậu. Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Phạm vi, quy mô đầu tư cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Ủy ban đề nghị làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định để bảo đảm hiệu quả dự án và cân nhắc tăng tỷ lệ đầu tư chiều dài kết cấu cầu để bảo đảm an toàn trong khai thác, hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi về mặt kinh tế thông qua hàng loạt chỉ số. Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án được đặt trong tình hình rất lạc quan về tốc độ tăng trưởng, nhưng bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động khó lường thì cần đặt ra những kịch bản khác để có cơ sở xem xét, quyết định.
Với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hiện tại và trong tương lai gần, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể thực hiện phần lớn hoạt động giao dịch thương mại trên nền tảng kỹ thuật số dẫn đến giảm nhu cầu di chuyển. Do vậy, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, tính toán thận trọng, đồng thời phân tích các rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá toàn diện hơn đối với phương án tài chính của dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác đặt trong tổng thể nhu cầu nguồn vốn đầu tư công và bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt cao tốc.
Quốc hội sẽ thảo luận hội trường nội dung này vào ngày 20/11 và biểu quyết thông qua vào 30/11, ngày cuối cùng của kỳ họp 8.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/trinh-quoc-hoi-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-4815404.html