Uống sữa thế nào giảm bùng phát cơn gout

Gout là dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến tích tụ axit uric trong máu. Khi đạt đến nồng độ cao, axit uric lắng đọng thành các tinh thể muối urat tại khớp. Bệnh gây ra những cơn sưng đau, nhức đột ngột, dữ dội ở khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối vào ban đêm, sau bữa ăn giàu đạm.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hạn chế dùng thực phẩm giàu purin, uống nhiều nước có thể phòng ngừa cơn gout. Người bệnh nên uống khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày để tăng bài tiết axit uric ra khỏi cơ thể, giảm hình thành tinh thể urat. Ngoài nước lọc, nước khoáng có kiềm, sữa cũng là lựa chọn phù hợp.

Sữa có hàm lượng purin thấp, 100 g chỉ chứa khoảng 0-50 mg purin giúp giảm nồng độ axit uric bữa ăn, trong máu và nguy cơ bùng phát cơn gout cấp. Ngoài ra, sữa có thêm vitamin D hỗ trợ tổng hợp canxi, góp phần hình thành mật độ xương, giúp xương chắc khỏe. Tuy vậy, không phải loại sữa nào cũng phù hợp với người bệnh gout. Dưới đây là một số gợi ý lựa chọn sữa mà người bệnh có thể tham khảo.

Sữa không đường

Uống sữa nhiều đường hoặc sữa đặc có thể làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa, giảm khả năng đào thải các chất qua thận, khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Sử dụng thường xuyên sữa có đường có thể khiến tình trạng sưng viêm chuyển biến nặng.

Ngoài sữa tươi, người bệnh gout có thể uống sữa chua không đường, ít đường để cung cấp probiotic, hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt, tăng khả năng đào thải axit uric. Các lợi khuẩn trong sữa chua cũng hỗ trợ chuyển hóa đường đa thành đường đơn và một phần đạm trong sữa thành axit amin, pepton nên cải thiện triệu chứng bệnh.

Sữa hạt, sữa không đường có lợi cho người bệnh gout. Ảnh: Hải Âu

Sữa ít béo hoặc tách béo

Sữa nguyên kem chứa nhiều chất béo bão hòa có thể gây tăng cân, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm, tăng áp lực lên xương khớp. Người bệnh gout nên dùng sữa ít béo hoặc tách béo để kiểm soát lượng chất béo bão hòa, giảm nguy cơ tăng cân. Đây cũng là nguồn dinh dưỡng cung cấp chất đạm, canxi dồi dào cho cơ thể.

Sữa hạt

Một số loại sữa hạt như hạnh nhân, óc chó, yến mạch… không chứa purin, thích hợp với người bệnh gout. Theo bác sĩ Phương, người bệnh nên duy trì lượng sữa hợp lý, khoảng 1-2 ly mỗi ngày, tương đương 400 ml. Người bệnh còn cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật. Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, uống nước giúp tăng cường đào thải axit uric trong máu. Tránh đồ uống có đường, rượu bia, soda, nước ép trái cây.

Một số người bệnh gout có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp lactose trong sữa, vì thế cần theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi uống. Khi có phản ứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… người bệnh cần ngừng uống và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trịnh Mai

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/uong-sua-the-nao-giam-bung-phat-con-gout-4866561.html