Ý tưởng nhắm vào phụ nữ
Từ lâu, già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp là vấn đề cấp bách hàng đầu của Nhật Bản. Năm 2023, tỷ lệ sinh tại xứ sở Mặt trời mọc đạt mức thấp kỷ lục, với số trẻ em trung bình mà một người phụ nữ Nhật Bản sinh ra giảm xuống còn 1,2. Ở Tokyo, con số này còn thấp hơn với 0,99 con/phụ nữ. Tỷ lệ sinh thấp tác động mạnh đến tốc độ già hóa dân số ở quốc gia Đông Á.
Trong khi Chính phủ Nhật Bản đau đầu tìm cách cải thiện tình hình, Naoki Hyakuta, lãnh đạo đảng Bảo thủ, trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất mang tính cưỡng chế nhắm vào phụ nữ.
Tiểu thuyết gia kiêm lãnh đạo đảng Bảo thủ Nhật Bản Naoki Hyakuta đưa ra loạt đề xuất cưỡng chế phụ nữ để tăng tỷ lệ sinh. Ảnh: The Japan News. |
Ngày 8/11, ông Hyakuta cùng bà Kaori Arimoto, người đồng dẫn chương trình podcast, thảo luận cách giải quyết tình trạng dân số Nhật Bản đang suy giảm. Bà Arimoto nhận xét các giá trị truyền thống Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, số lượng người cảm thấy việc có con có thể không phù hợp với hạnh phúc cá nhân của họ tăng theo.
Trước câu hỏi về cách phục hồi những giá trị từ ngày xưa, ông Hyakuta cho rằng những giới hạn sinh sản nghiêm ngặt có thể gây áp lực buộc phụ nữ phải sinh con sớm hơn. Với lập luận này, ông đưa ra loạt ý tưởng là cấm phụ nữ trên 18 tuổi đi học đại học, cấm phụ nữ trên 25 tuổi kết hôn và cắt bỏ tử cung đối với phụ nữ ngoài 30 tuổi mà chưa sinh con.
Chính trị gia nhấn mạnh áp dụng những biện pháp cực đoan để định hình lại cơ cấu xã hội và các giá trị hiện tại của Nhật Bản. Dù là cấp dưới, bà Arimoto không thể đồng tình với ông Hyakuta. Bà bình luận ngay cả chỉ là giả thuyết, đề xuất này quá tàn khốc.
Công chúng phẫn nộ
Phát ngôn của ông Hyakuta nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội. Bà Sumie Kawakami, tác giả về các vấn đề giới tính ở xứ Phù Tang, chỉ trích lãnh đạo đảng Bảo thủ đưa ra lời kêu gọi bạo lực đối với phụ nữ.
Ban đầu, tin tức này chỉ giới hạn trong lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, nó được lan truyền trên các trang mạng xã hội quốc tế như Reddit.
Cư dân mạng sốc và nghi ngờ về những gì mình được đọc, cho rằng ông Hyakuta không đủ tỉnh táo khi đưa ra phát ngôn đó. Họ so sánh ý tưởng mà chính trị gia nghĩ ra với các tác phẩm phản địa đàng đen tối như Black Mirror, The Handmaid’s Tale… Số khác phẫn nộ khi người đàn ông 68 tuổi quy hết trách nhiệm cho tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số lên phụ nữ.
Cư dân mạng bình luận: “Tôi nghĩ ông ta đã cắt bỏ não và tim rồi”, “Tại sao đề xuất của họ không phải là trả lương cho phụ nữ để làm mẹ. Tại sao luôn là trừng phạt phụ nữ vì không làm mẹ, mà không phải là khen thưởng họ vì làm mẹ?”, “Họ sẽ làm bất cứ điều gì ngoài việc cung cấp sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, cũng như tạo ra mức sống đủ khả năng chi trả để sinh con không còn là nỗi lo”…
Ông Hyakuta tin phải có áp lực khắc nghiệt, phụ nữ mới chịu sinh con sớm. Ảnh: Asia. |
Trước phản ứng dữ dội từ công chúng, ông Hyakuta phải công khai xin lỗi trong bài phát biểu tại thành phố Nagoya và trên X. Ông tuyên bố những ý tưởng đã đề xuất hoàn toàn chỉ là giả thuyết, cốt truyện khoa học viễn tưởng.
Dù xin lỗi, ông Hyakuta không quên chỉ trích truyền thông Nhật Bản vì trích dẫn bình luận của ông ra khỏi ngữ cảnh. Theo tiểu thuyết gia, không có nhà báo nào xem toàn bộ video.
Ông Naoki Hyakuta sinh năm 1968, là tiểu thuyết gia, nhà sản xuất truyền hình và chính trị gia Nhật Bản. Ông tự thành lập và đứng đầu đảng Bảo thủ Nhật Bản kể từ ngày 1/9/2023 sau khi bày tỏ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền không đại diện cho quan điểm của ông.
Ông Hyakuta nổi tiếng vào năm 2006 nhờ xuất bản The Eternal Zero, cuốn tiểu thuyết ca ngợi lực lượng phi công cảm tử được gọi là kamikaze (thần phong) trong Thế chiến II.
Năm 2014, ông gây tranh cãi vì phủ nhận vụ Thảm sát Nam Kinh – quân đội Nhật Bản giết hại hàng loạt thường dân Trung Quốc trong Thế chiến II – trong bài phát biểu tranh cử vị trí Thống đốc Tokyo. Thời điểm đó, ông thuộc ban giám đốc Đài truyền hình Nhật Bản NHK.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/tieu-thuyet-gia-nhat-ban-bi-chi-trich-vi-y-tuong-den-toi-voi-phu-nu-post1695020.tpo