Nữ văn sĩ Quỳnh Dao khi sống như ánh lửa, lúc chết đi nguyện là hoa tuyết lất phất rơi. |
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam tin vào sức sống của truyện ngôn tình Quỳnh Dao. Những Mùa thu lá bay, Dòng sông ly biệt, Xóm vắng… từng lấy đi nước mắt của bao thế hệ bạn đọc sẽ còn gây thương nhớ ở những thế hệ sau. Vì dù năm tháng đổi thay, nhưng trái tim yêu của con người vẫn y nguyên những cung bậc. “Văn Quỳnh Dao như nhạc bolero”, nhà văn Từ Kế Tường so sánh.
Viết cho tuổi biết buồn
PGS.TS Trần Hoài Anh, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đánh giá: “Sức sống của văn chương Quỳnh Dao và ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn học ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975 rất lớn. Sau năm 1986, Quỳnh Dao trở lại sôi nổi trong đời sống văn học Việt. Dòng truyện ngôn tình của bà đặc biệt hấp dẫn độc giả, nhất là giới trẻ”.
Người ta phong Quỳnh Dao là “bà hoàng của dòng truyện ngôn tình”. Nhà nghiên cứu PGS.TS Trần Hoài Anh hoàn toàn tán đồng, bởi ông từng là fan đích thực của Quỳnh Dao. “Mười mấy tuổi tôi đã bắt đầu đọc Quỳnh Dao, đọc say mê đến mức không buông nổi sách. Ở tuổi dậy thì, tình yêu với tôi là sự mơ mộng, là ảo ảnh. Cho nên, truyện của Quỳnh Dao chạm ngay cảm xúc của tôi. Quỳnh Dao viết cho giới trẻ. Bà đáp ứng được những cảm xúc thẩm mỹ của giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ trong tình yêu. Ở lứa tuổi mà người ta gọi là tuổi hoa, tuổi ngọc, tuổi bắt đầu lãng đãng khói sương, Trịnh Công Sơn gọi là tuổi biết buồn, thì đọc Quỳnh Dao rất thích”.
Nhà giáo, nhà phê bình Trần Hoài Anh tiết lộ, ông từng rơi nước mắt vì truyện Quỳnh Dao và những bộ phim dựa theo tác phẩm của bà. Dù là con trai hay con gái đều nhạy cảm với mất mát, chia lìa. Ngay đến bây giờ khi đã xa tuổi biết buồn rất lâu, ông vẫn tìm về sách Quỳnh Dao như tìm về hoài niệm, về ký ức đẹp…
Tác giả Bến không chồng, nhà văn Dương Hướng thú nhận, khi còn rất trẻ ông cũng thích truyện Quỳnh Dao, từng tìm đến hiệu sách cũ để lùng sách của bà. Ông tin dòng truyện ngôn tình Quỳnh Dao vẫn sống, dù người sinh ra nó đã hóa thành đóa hoa tuyết rơi vào cõi hư vô. Nhà văn Từ Kế Tường – tác giả của những cuốn sách ăn khách một thời dành cho lứa tuổi mới lớn – đọc Quỳnh Dao không ít. Ông chia sẻ: “Quỳnh Dao có sức ảnh hưởng lớn với độc giả miền Nam. Không chỉ người trẻ mà lứa tuổi trung niên cũng mê đắm ngôn tình Quỳnh Dao”.
Lý do ngôn tình Quỳnh Dao gây nghiện với độc giả là do tác phẩm của bà gần gũi và đặc biệt nữ tính. Những bộ phim dựa trên tiểu thuyết của bà đều là phim ăn khách như Mùa thu lá bay, Dòng sông ly biệt, Hải Âu phi xứ… Nhà văn ăn khách một thời so sánh: “Văn Quỳnh Dao như nhạc bolero với người Việt. Độc giả thời nào cũng có thể đọc Quỳnh Dao vì truyện của bà nữ tính, viết về tình yêu cuốn hút và nhân văn.
PGS.TS Trần Hoài Anh tiết lộ, từng có hiện tượng giả Quỳnh Dao ở Việt Nam. Bởi tác phẩm của bà được độc giả say mê nên có những nhà văn viết giả Quỳnh Dao. Họ dựa trên một tác phẩm nào đó của Quỳnh Dao rồi phóng tác, thế mà cũng lừa được người đọc. Không chỉ độc giả Việt Nam, truyện ngôn tình Quỳnh Dao gây mê khán giả nhiều nước. “Quỳnh Dao chinh phục độc giả trẻ nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng với văn học Đài Loan (Trung Quốc) thì Quỳnh Dao là hiện tượng đặc biệt”, ông nhận định.
Quỳnh Dao tâm đắc với vai Hàm Hương từ khi viết kịch bản phim Hoàn Châu Cách Cách. Mỹ nhân Hàm Hương sở hữu mùi hương đặc biệt, thu hút bướm vây quanh. Nữ văn sĩ muốn hiện thực hóa cảnh mỹ nhân thu hút ong bướm trên phim. Chi phí đổ ra để tạo dựng kỹ xảo cho những khoảnh khắc thu hút ong bướm của vai Hàm Hương đã ngốn hơn 613.000 USD vào năm 1999. Nữ diễn viên Lưu Ðan đã có vai diễn để đời.
Một nhà văn Việt Nam bình luận: “Nữ văn sĩ lựa chọn biến thành hoa tuyết tan vào hư vô là cách để lưu lại hình ảnh đẹp đẽ với độc giả, với nhân thế này”. Quỳnh Dao ví mình như “tia lửa nhỏ và đã đốt cháy hết sức lực”. Người yêu cái đẹp, muốn sống cuộc sống duyên dáng, mạnh mẽ đã lựa chọn cách ra đi duyên dáng nhất trước khi ngọn lửa bị dập tắt.
Từng hẹn ước đến Việt Nam
Bà hoàng của dòng truyện ngôn tình từng viết một lá thư cho nữ dịch giả Thu Thủy. Nữ dịch giả dân tộc Hoa là người có công dịch truyện Quỳnh Dao ở miền Nam trước 1975. Vì thế, mối quan hệ giữa dịch giả Thu Thủy và văn sĩ Quỳnh Dao khá thân thiết. Trong thư, tác giả Mùa thu lá bay hẹn ước một ngày nào đó bà sẽ đến Việt Nam để gặp gỡ, chia sẻ tình cảm với những độc giả Việt Nam yêu truyện Quỳnh Dao.
Ở Việt Nam, không ít nhà văn thừa nhận không dành thời gian đọc Quỳnh Dao hoặc có đọc nhưng không thích. Nhà phê bình Trần Hoài Anh giải thích: “Quỳnh Dao viết rất nhiều, gọi là văn học thị trường. Có người nhận xét văn chương của bà ngôn từ không trau chuốt. Nhưng theo tôi đánh giá, như thế chưa công bằng khi ta chưa đọc được tác phẩm bằng chính ngôn ngữ của nó”. Có nhà văn Việt Nam nhận định, Quỳnh Dao chỉ là hiện tượng một thời. Giới trẻ hôm nay không còn nhớ đến Quỳnh Dao, không đọc Xóm vắng, Mùa thu lá bay hay Song ngoại… Điều này cũng chưa có kiểm chứng. Hãy nhớ dòng truyện ngôn tình có lực lượng fan đông hạng nhất.
Nhưng kể cả người trẻ hôm nay có quên Quỳnh Dao thì bà vẫn luôn hướng về họ, bởi bà đã sống, đã viết vì họ. Trước khi hóa thành hoa tuyết như lựa chọn định mệnh vào ngày 4/12, Quỳnh Dao vẫn không quên một cái ôm với người trẻ tuổi. Bà viết trong thư để lại: “Hãy nhớ rằng, cách tôi ra đi là điều tôi chọn ở ga cuối của cuộc đời! Các bạn trẻ, đừng bao giờ dễ dàng từ bỏ mạng sống. Những thất bại hay cú sốc nhất thời có thể chỉ là sự rèn luyện cho một cuộc sống tươi đẹp”.
Còn đây là lời nhắn dành cho những ai yêu mến Quỳnh Dao: “Các bạn thân yêu, hãy dũng cảm, hãy sống với cái tôi mạnh mẽ, đừng uổng phí chuyến dạo chơi nhân gian này! Dù thế giới không hoàn hảo, nhưng vẫn có đủ loại hỉ, nộ, ái, ố bất ngờ! Đừng bỏ lỡ những điều tuyệt vời thuộc về bạn”.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/van-quynh-dao-nhu-nhac-bolero-post1697946.tpo