Vì sao độ cận thị tăng lên hàng chục diop?

Cận thị là vấn đề sức khỏe toàn cầu và đang ảnh hưởng gần 30% dân số thế giới. Trong đó, đa phần là cận thị học đường và cả cận thị bệnh lý. Việt Nam hiện có khoảng 14-36 triệu người mắc tật khúc xạ cần được điều chỉnh kính.

Cận thị học đường hay cận thị trên người trẻ (từ 8 đến 22 tuổi), tăng số dần từ 0,75 -1,00D mỗi năm và thường dừng lại khoảng 6,00D. Trong khi đó, cận bệnh lý (cận thị thoái hóa) lại mang tính di truyền cao, số kính tiếp tục gia tăng dù đã qua tuổi trưởng thành, độ cận đạt đến 10,00D hoặc hơn thế.

Người bệnh không thể đeo kính đúng số, thị lực khó đạt mức tối đa mặc dù đã cố gắng chỉnh kính hết cỡ, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Như tại Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec) mới đây tiếp nhận trường hợp cận thị bệnh lý nặng. Bệnh nhân nữ 28 tuổi nhưng độ cận đã lên tới 24, bắt đầu đeo kính từ khi mới 7 tuổi nhưng chỉ đi khám mắt 3 lần trong suốt hơn 20 năm.

Theo bác sĩ CKI Đỗ Minh Đức, khoa Khúc xạ, cho biết bệnh nhân là điển hình của cận thị bệnh lý nặng, đã có thoái hóa võng mạc, nguy cơ biến chứng rất cao, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn. Trục nhãn cầu của bệnh nhân dài trên 30mm, trong khi mức độ an toàn là dưới 26mm. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ khiếm thị tăng tới 90%.

Mắt bình thường có trục nhãn cầu trung bình khoảng 23mm. Chiều dài này cứ tăng thêm 1mm sẽ tương đương với việc tăng độ cận khoảng 3 độ. Ví dụ, khi trục nhãn cầu kéo dài tới 26mm thì độ cận đã là khoảng 9 độ. Trục nhãn cầu càng dài thì độ cận càng cao, gây ra nhiều nguy cơ cho mắt.

Bệnh nhân được chụp và làm các xét nghiệm khúc xạ chuyên sâu tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cận thị nặng (trên -5,00D) làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc (tăng 20-40 lần), thoái hóa hoàng điểm, glôcôm và đục thủy tinh thể. Kiểm soát được 1,00D có thể giảm 40% nguy cơ biến chứng võng mạc.

“Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh chưa thực sự hiểu đúng về cận thị, dẫn đến các sai lầm nghiêm trọng như không cho con đeo kính dù đã được chẩn đoán, hoặc chỉ thay kính khi không thể nhìn rõ”, bác sĩ Đức nói, thêm rằng đây là nguyên nhân khiến tình trạng cận thị ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Việc quản lý cận thị hiệu quả cần khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần, đặc biệt ở trẻ 5-15 tuổi, và cần sự phối hợp giữa bác sĩ, gia đình và nhà trường.

Khi chọn kính cũng cần quan tâm đến chất lượng mắt và gọng kính. Gọng kính chất lượng, có tính thẩm mỹ phù hợp với gương mặt sẽ giúp bạn dễ chịu và tự tin hơn trong giao tiếp. Mắt kính nên chọn những sản phẩm chống chói lóa, chống tia cực tím, chống ánh sáng xanh,… để có thể bảo vệ mắt tốt hơn.

Lê Nga

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/vi-sao-do-can-thi-tang-len-hang-chuc-diop-4868521.html