Vì sao viêm xoang gây đau đầu?

Trả lời:

Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi do nhiễm trùng, dị ứng hoặc các yếu tố môi trường tác động. Niêm mạc xoang viêm sưng gây tiết nhiều dịch nhầy. Dịch ứ đọng và tích tụ trong những hốc xoang, làm tăng áp lực trong lòng xoang, kích thích dây thần kinh xung quanh gây đau, trong đó có đau đầu. Đau đầu do xoang thường là cảm giác nặng, tức vùng trán, má, thái dương, sau gáy, đỉnh đầu… Cơn đau đầu kéo dài nhiều giờ, vị trí thường tương ứng với vùng xoang bị viêm.

Viêm xoang trán thường gây đau ở vùng trán, nhất là khi cúi xuống. Người bị viêm xoang hàm thường bị đau hai bên má, có thể lan lên thái dương. Viêm xoang sàng khiến người bệnh đau giữa đầu, vùng giữa hai mắt. Viêm xoang bướm thường gây đau lan ra sau đầu, vùng gáy. Đau đầu có thể trầm trọng hơn nếu người bệnh cúi người về phía trước hoặc nằm xuống. Triệu chứng đau đầu có thể đi kèm các triệu chứng điển hình của viêm xoang như chảy mũi dịch trong hoặc đục, nghẹt mũi, vướng đàm, sốt, ho, mệt mỏi.

Bác sĩ Như Duy nội soi mũi cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do nhiễm vi khuẩn, virus và nấm. Người có hệ miễn dịch yếu dễ bị viêm xoang do vi khuẩn hoặc nấm. Người có cơ địa dị ứng cũng dễ mắc bệnh viêm xoang, thường gọi là viêm mũi xoang dị ứng do phù nề niêm mạc mũi gây bít tắc và tăng áp lực trong xoang. Một số bất thường cấu trúc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, khối polyp nằm ở vị trí các khe mũi, có thể làm tăng nguy cơ viêm xoang do tắc nghẽn đường dẫn lưu của xoang.

Để chẩn đoán viêm xoang, bác sĩ khám, nội soi mũi họng, đôi khi cần chụp CT xoang giúp xác định. Viêm xoang kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng như viêm tổ chức hốc mắt, viêm màng não…

Đau đầu do viêm xoang thường âm ỉ, tăng lên khi thay đổi tư thế (cúi đầu, nằm xuống), khi thời tiết thay đổi hoặc vào buổi sáng sớm và kèm theo triệu chứng khác như nghẹt mũi, chảy mũi (có thể có mủ), giảm khứu giác, sốt nhẹ, cảm giác nặng mặt. Chứng đau nửa đầu thường gây đau ở một bên đầu theo từng cơn, đôi khi đau theo nhịp mạch máu, tăng dần mức độ theo thời gian, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn ói. Đau đầu do căng thẳng có cảm giác siết chặt quanh đầu, không kèm theo các triệu chứng viêm xoang.

Viêm xoang gây đau đầu là tình trạng lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Đau đầu kéo dài khi trở thành mạn tính rất khó điều trị. Bạn nên giảm áp lực lên xoang bằng cách rửa mũi với nước muối sinh lý 3-4 lần mỗi ngày để làm sạch dịch nhầy ứ đọng trong xoang. Uống đủ hai lít nước mỗi ngày để làm loãng dịch nhầy, massage nhẹ nhàng vùng xoang giúp giảm áp lực, chườm ấm vùng mũi, trán cho xoang thông thoáng. Tránh khói, bụi, lạnh, khói thuốc lá, các tác nhân có thể gây dị ứng như lông các con vật. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ ấm vùng mũi họng, không thay đổi nhiệt độ đột ngột, điều trị triệt để viêm mũi dị ứng (nếu có).

Nếu tình trạng kéo dài hơn hai tuần, đã áp dụng các phương pháp hỗ trợ (xịt rửa mũi, tránh tác nhân kích ứng…) nhưng triệu chứng không cải thiện, đau đầu nghiêm trọng hơn, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

ThS.BS.CKII Nguyễn Như Duy
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/vi-sao-viem-xoang-gay-dau-dau-4869660.html