Virus HPV tiến triển gây ung thư cổ tử cung

Khi ấy chị Linh nhiễm virus HPV 18, chị được soi cổ tử cung có kết quả bình thường, xét nghiệm tế bào cổ tử cung (pap smear) bình thường. Bác sĩ hẹn ba tháng sau tái khám, song vì nhiều lý do chị không đến khám kiểm tra.

Gần đây, vùng sinh dục có dịch bất thường, uống thuốc chữa viêm âm đạo không bớt, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, xét nghiệm ghi nhận có dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Bước đầu, chị được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị bằng thủ thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung (khoét chóp cổ tử cung), giải phẫu bệnh sau đó xác định là ung thư biểu mô gai cổ tử cung.

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết phụ nữ nhiễm virus HPV diễn tiến ung thư có thể mất 10-20 năm, nhiều trường hợp chỉ cần 3-5 năm đã phát triển thành ung thư. Các virus HPV 16, 18 tấn công tế bào ở cổ tử cung, cản trở tế bào này nhân lên và phân chia bình thường. Tế bào nhân lên không kiểm soát được, cuối cùng hình thành một vùng tế bào tiền ung thư, không điều trị sẽ trở thành ung thư.

Chị Linh đã có đủ hai con. Một tháng can thiệp khoét chóp cổ tử cung, chị được phẫu thuật cắt tử cung để điều trị triệt để. Kết quả giải phẫu tử cung và cơ quan lân cận chưa ghi nhận tế bào ác tính. Bác sĩ Khoa đánh giá chị Linh may mắn phát hiện ung thư ở giai đoạn tại chỗ, các tế bào biểu mô bất thường mới bắt đầu xuất hiện trong lớp lót cổ tử cung, chưa xâm lấn sâu xuống mô chính. Tỷ lệ khỏi bệnh là 98%.

Êkíp phẫu thuật cắt tử cung cho chị Linh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Có nhiều lựa chọn cách điều trị khi ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm giai đoạn tại chỗ. Phương pháp cắt tử cung có thể chỉ định cho phụ nữ trên 40 tuổi, mắc bệnh mà không còn nhu cầu sinh thêm con. Khoét chóp cổ tử cung được ưu tiên đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chưa sinh con.

Ung thư cổ tử cung tiến triển theo giai đoạn gồm nhiễm virus HPV, virus HPV tấn công cơ thể, diễn biến tổn thương tiền ung thư, ung thư xâm lấn. Giai đoạn tiền ung thư thường diễn biến âm thầm, khó nhận biết, có thể xuất hiện dịch âm đạo bất thường, chảy máu giữa kỳ kinh, đau khi quan hệ tình dục, dễ nhầm lẫn bệnh phụ khoa khác.

Globocan năm 2022 ghi nhận ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 8 trên thế giới với khoảng 660.000 ca mắc mới và khoảng 350.000 ca tử vong.

Bác sĩ Quý Khoa khuyến cáo phụ nữ nhiễm virus HPV cần theo dõi, điều trị kịp thời, không chủ quan. Phụ nữ có quan hệ tình dục cần tầm soát ung thư cổ tử cung bằng biện pháp như phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV… Tiêm vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung là rất tốt, nhưng vẫn cần làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Tuệ Diễm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/virus-hpv-tien-trien-gay-ung-thu-co-tu-cung-4826044.html