Vỏ bọc bà nội trợ của trùm mafia khét tiếng, tàn nhẫn

Maria Licciardi sinh năm 1951, là người đứng đầu gia tộc Licciardi và một trong những trùm mafia quyền lực nhất của băng đảng Camorra ở thành phố Naples từ năm 1994.

Camorra có khoảng 7.000 thành viên, là một trong những băng đảng tội phạm tàn ác bậc nhất Italy, hình thành từ thế kỷ 18 với địa bàn chính ở Scampia và Secondigliano. Ngoài Italy, Camorra còn có sự hiện diện mạnh mẽ ở các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp. Băng đảng này duy trì quan hệ chặt chẽ với các băng nhóm ma túy Nam Mỹ để tuồn ma túy vào châu Âu.

Gia tộc Licciardi của Maria thuộc băng đảng Camorra, bố và các em trai đều là nhân vật có máu mặt ở vùng Secondigliano. Một người em trai tên Gennaro Licciardi sau này trở thành người đứng đầu gia tộc và là thành viên sáng lập của Liên minh Secondigliano, một liên minh hùng mạnh của các gia tộc trong Camorra kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy và kiếm tiền phi pháp ở nhiều vùng ngoại ô của Naples.

Tháng 8/1994, Gennaro chết vì nhiễm trùng máu trong tù. Maria tiếp quản vị trí đứng đầu gia tộc, sau khi hai em trai khác và chồng bị bắt. Bà ta là thành viên nữ của Camorra đầu tiên trở thành chủ gia tộc Licciardi và người đứng đầu Liên minh Secondigliano.

Cái chết của Gennaro đã gây ra một số bất ổn trong thế giới ngầm địa phương, dẫn đến các cuộc chiến đẫm máu nhằm giành quyền kiểm soát, nhưng gia tộc vẫn được Maria giữ ổn định.

Bà ta đã tập hợp một liên minh không chính thức gồm 20 gia tộc trong Camorra nhằm mở rộng quyền kiểm soát các hoạt động kinh doanh béo bở nhất thành phố, từ buôn lậu ma túy và thuốc lá đến bảo kê và mại dâm. Maria cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường buôn bán ma túy của thành phố. Dưới sự điều hành của bà ta, Liên minh Secondigliano trở nên có tổ chức hơn, bí mật hơn, tinh vi.

Maria đưa ra nhiều thay đổi lớn cho gia tộc, đặc biệt là phá vỡ quy định cấm kiếm tiền từ mại dâm của Camorra. Dưới chỉ đạo của Maria, Camorra mua các cô gái từ mafia Albania với giá 2.000 USD. Nhiều người trong số họ bị dụ dỗ rằng sẽ được cấp việc làm hợp pháp để thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê hương, nhưng khi đến nơi, họ gần như bị bắt làm nô lệ và bị ép làm gái mại dâm. Nhiều cô gái là vị thành niên, bị biến thành con nghiện và thường dành phần lớn thu nhập để mua ma túy.

Không giống nhiều thành viên nam của Camorra, Maria kín tiếng và chưa bao giờ bị kết án hoặc thậm chí bị nghi ngờ về bất kỳ tội danh nào. Theo nguồn tin của cảnh sát, bà trùm có tiếng là người thực tế, cuốn hút, đặc biệt thông minh nhưng cũng tàn nhẫn.

Dưới sự dẫn dắt của Maria, gia tộc Licciardi tạo được ấn tượng tốt vì vẫn giữ thói quen cũ là thỉnh thoảng giúp đỡ những người nghèo trong khu vực, cung cấp việc làm cho họ.

Lucia Licciardi, nhà báo duy nhất được tiếp xúc với vòng tròn thân cận của Maria, mô tả phong cách quản lý của bà trùm: “Bà ấy cư xử giống như quản lý của một công ty đa quốc gia. Bà ấy luôn tìm kiếm giải pháp ít thu hút sự chú ý của cảnh sát hơn và ít tạo ra sự chia rẽ trong gia tộc”.

Để bảo vệ gia tộc, Maria tìm cách kiểm soát tác động có thể có từ lời khai của những cựu thành viên chuyển sang hợp tác với công tố viên. Bà ta chấp nhận trả tiền để đổi lấy sự im lặng.

Tháng 1/1998, Maria bị chặn lại trong một chiếc ôtô với khoảng 300 triệu ITL, công tố viên tin rằng đó là khoản tiền bà trùm định trả cho một cựu thành viên để anh ta rút lại lời khai về hoạt động của gia tộc. Maria từ chối tiết lộ số tiền đó dùng để làm gì và được các luật sư giúp thoát rắc rối.

Từ biệt danh “La Piccolina” (Cô gái bé nhỏ) hồi đầu sự nghiệp do chiều cao thấp bé, với địa vị và quyền uy ngày càng tăng trong băng đảng, Maria được các thành viên gọi một cách kính trọng là “La Madrina” (Mẹ đỡ đầu) và có biệt danh “Bloody Mary”.

“Triều đại” của Maria bắt đầu rạn nứt từ một lô hàng heroin nguyên chất, chưa tinh chế. Mùa xuân 1999, lô được chuyển đến từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Maria ra lệnh không được bán vì nó quá nguyên chất và mạnh đối với người dùng bình thường, có thể sẽ giết chết những người mua, gây tổn hại cho lượng lớn khách hàng sử dụng ma túy của liên minh.

Tuy nhiên, gia tộc Lo Russo, những người luôn bất mãn dưới sự lãnh đạo của Maria, không đồng ý và vẫn đóng gói lô hàng để bán trên đường phố. Việc bán các gói heroin chưa tinh chế gây ra cái chết của nhiều người nghiện trên khắp Naples, chỉ riêng trong tháng 4/1999 là 11 người. Điều này khiến công chúng phẫn nộ và dẫn đến các cuộc đàn áp lớn của cảnh sát đối với Camorra. Nhiều thành viên băng đảng bị bắt và bỏ tù.

Sau đó, gia tộc Lo Russo tách khỏi liên minh, dẫn đến sự tan rã và một cuộc chiến băng đảng đẫm máu. Các gia tộc bắt đầu tranh giành địa bàn, cố gắng phá hủy hoặc chiếm đoạt công việc kinh doanh của nhau. Khi bốn thành viên gia tộc bị sát hại tại thành trì Secondigliano, Maria trả thù. Kết quả là gần 120 người thiệt mạng ở Naples và khu vực lân cận trong cuộc chiến. Vào khoảng thời gian này, cảnh sát mới biết đến sự tồn tại của Maria.

Hai bức ảnh của Maria Licciardi được cảnh sát công bố. Ảnh: Ilmattino

Maria được thêm vào danh sách “30 người Italy bị truy nã gắt gao nhất”. Nhờ mạng lưới bảo vệ tinh vi do gia tộc thiết lập, bà trùm thoát truy lùng trong hai năm, dù đã thay đổi nơi ẩn náu nhiều lần nhưng Maria chưa bao giờ rời khỏi quận Masseria Cardone. Trong thời gian lẩn trốn, bà ta tiếp tục làm chủ gia tộc Licciardi và ra lệnh thủ tiêu một số đối thủ.

Khi công tố viên cấp cao Luigi Bobbio bắt đầu truy tố gia tộc Licciardi, Maria cảm thấy tung tích của mình sắp bị lộ. Tháng 1/2001, bà ta cho người đánh bom tòa nhà văn phòng của Bobbio, như một lời cảnh báo ngừng điều tra gia tộc Licciardi và dừng mọi cuộc truy tố tiếp theo đối với các thành viên trong gia tộc. Tuy nhiên, vụ đánh bom không thể ngăn cản Bobbio. Ngược lại, ông được cảnh sát bảo vệ để tiếp tục nhiệm vụ. Hơn 70 thành viên của gia tộc Licciardi bị bắt. Họ từ chối hợp tác với các công tố viên và nhận án tù.

Cảnh sát nỗ lực để bắt Maria nhưng không có kết quả. Tháng 4/2000, Lực lượng Hiến binh Quốc gia Carabinieri đã bắt 13 trùm Camorra đang tổ chức họp bàn kinh doanh trong một trang trại nông thôn giữa các quận Qualiano và Giugliano. Tuy nhiên, Maria không nằm trong số đó.

Ngày 9/6/2001, hàng trăm sĩ quan được trang bị vũ khí hạng nặng, được hỗ trợ bởi trực thăng, rà soát khắp khu vực Secondigliano. Họ xông vào một tòa nhà đổ nát được cho là nơi ẩn náu của Maria, nhưng không thấy bà trùm. Cảnh sát phát hiện bên trong căn gác mái có camera giám sát, Maria đã lát sàn đá cẩm thạch, đặt một cây đàn piano lớn và một bể sục ngoại cỡ.

Ngày 14/6/2001, Maria bị cảnh sát Naples bắt giữ trên một chiếc ôtô gần Naples. Bà ta không chống cự.

Dù ở trong tù, Maria vẫn chỉ huy gia tộc. Các nhà tù không phải là rào cản đối với Camorra.

Bà trùm phủ nhận có tội, khẳng định chỉ là một bà nội trợ khiêm tốn. “Tôi là một bà nội trợ nhưng tôi luôn làm việc. Tôi từng là thợ đóng giày. Tôi ghét ma túy và nếu nhìn thấy những người trẻ tuổi sử dụng ma túy, tôi cảm thấy đau lòng”, Maria nói với các thẩm phán vào năm 2003.

Tuy nhiên, các công tố viên cho biết Maria là “đầu não chiến lược” của Liên minh Secondigliano, được cho là kiểm soát phần lớn tội phạm có tổ chức ở Naples.

Theo Luigi Misso Licciardi, cựu trùm Camorra trở thành nhân chứng của công tố viên, Maria chịu trách nhiệm về hơn 100 vụ giết người. Ông ta nói Maria “nguy hiểm hơn nhiều” so với người đứng đầu khét tiếng của Cosa Nostra, chi nhánh mafia ở Sicily.

Maria bị kết án 8 năm tù, được thả tự do năm 2009 và tiếp tục điều hành gia tộc.

Ngày 9/5/2008, lực lượng Carabinieri đã thu giữ số hàng hóa trị giá 300 triệu euro và bắt 44 thành viên của gia tộc Licciardi.

Ngày 7/8/2021, Maria lại bị lực lượng Carabinieri bắt giữ tại sân bay Ciampino (Rome), khi đang gửi hành lý trước chuyến bay tới Tây Ban Nha. Bà trùm không hề chớp mắt khi bị cảnh sát chặn lại và tống đạt lệnh do văn phòng công tố Naples ký.

Maria bị cáo buộc liên quan đến mafia, kiếm tiền phi pháp, tống tiền. Ngày 15/3/2023, bà ta bị kết án 12 năm 8 tháng tù.

Tuệ Anh (Theo Guardian, Telegraph, Sun)

Nguồn bải viết : https://vnexpress.net/doi-nhu-phim-cua-ba-trum-mafia-khet-tieng-4812981.html