Hương hoa thoang thoảng trước cổng, ẩn mình sau tán cây là một ngôi nhà phủ kín dây leo xanh mướt, điểm xuyến hoa tử đằng. Đây là ngôi nhà của vợ chồng La Đào và Lý Kiệt, tại trấn Bạch Sa, huyện Dương Tân, tỉnh Hồ Bắc.
“Tôi đã về quê được 7 năm, mong muốn vận dụng kiến thức của mình để giúp đỡ bà con cùng nhau phát triển kinh tế”, La Đào, 33 tuổi, cựu sinh viên Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, chia sẻ.
La Đào học chuyên ngành tranh khắc gỗ, còn vợ anh Lý Kiệt, 32 tuổi, quê ở Trùng Khánh, học ngành nhiếp ảnh cùng Đại học Mỹ thuật Hồ Bắc. Sau khi tốt nghiệp, cả hai làm việc tại công ty Disney Thượng Hải, phụ trách vẽ tranh màu và thiết kế homestay. Tổng thu nhập của họ hàng tháng hơn 40.000 tệ (140 triệu đồng).
Cuộc sống giữa phố thị ồn ào khiến đôi trẻ ngày càng thấy nhàm chán. Nhân dịp cuối tuần, La Đào đưa bạn gái về thăm nhà bà ngoại, cũng là nơi anh sống đến năm 9 tuổi.
Nằm trong thung lũng, ngôi làng cổ kính hiện ra trước mắt. Mùa xuân ẩm ướt, sương mù giăng kín, con đường lát đá được nước mưa rửa trôi sạch bóng khiến Lý Kiệt bỗng có cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác.
“Hay là mình về quê anh sống nhé”, khoảnh khắc đó, cô như tìm thấy chốn dừng chân trong mơ ước.
Cuối tháng 6/2016, đôi trẻ bỏ phố về quê. Nghe tin, bố mẹ La Đào lo lắng. Mẹ anh là y tá nghỉ hưu, bố làm công nhân xây dựng, họ đã mua nhà ở thị trấn từ nhiều năm trước và chuyển ra khỏi làng. Giờ nghe con trai và con dâu tương lai muốn về quê sinh sống, họ không thể hiểu nổi.
Bất chấp sự phản đối, đôi trẻ vẫn quyết tâm khởi nghiệp ở nông thôn. Kế hoạch ban đầu của họ là xây dựng một ngôi nhà lý tưởng, sau đó có thể mở homestay, làm các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, để nhiều người được hòa mình với thiên nhiên. Họ chi hơn 700.000 tệ để xây dựng “ngôi nhà mà dân làng không hiểu”, được thiết kế dựa trên nguyên mẫu nhà của phù thủy trong phim hoạt hình Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki.
Một bên mái nhà hình vòng cung, một bên mái dốc, trông như một tòa lâu đài. Mở cửa sổ sau có thể phóng tầm mắt ra thung lũng xa xăm, mở cửa sổ trước có thể ngắm nhìn vườn hoa cỏ. Cả hai quyết định cùng nhau thiết kế, đưa “ngôi nhà cổ tích” độc đáo, mộng mơ và ấm áp này vào hiện thực.
Tuy nhiên thợ mộc địa phương làm được vì họ chỉ quen xây nhà vuông vức. La Đào đành phải tự tay thực hiện ngôi nhà có nhiều đường cong theo ý vợ. Bố mẹ cũng góp sức cùng các con. Ngày tháng trôi qua trong niềm vui và sự bận rộn, cuối cùng tháng 5/2019, ngôi nhà chính thức hoàn thành.
Cũng trong tháng 5/2019, đám cưới của đôi trẻ được tổ chức trước trong ngôi nhà. họ mất ba năm xây dựng. “Vợ yêu, anh quen em từ năm 19 tuổi, cùng nhau chúng ta đã đi qua cả tuổi thanh xuân. Dù là hôm qua, hôm nay hay những ngày sau, anh đều yêu em thật lòng!”, chú rể La Thao rạng rỡ nhìn cô dâu xinh đẹp trong không gian cổ tích của họ.
Sau đám cưới, đôi trẻ đón cả bố mẹ về sống. “Ngôi nhà của phù thủy nhỏ quả thật có phép thuật”, Lý Kiệt vui vẻ nói. Người dân trong làng cũng chuyển từ tò mò sang ngưỡng mộ.
Chính quyền đại phương cũng tìm đến cặp vợ chồng, hy vọng họ sẽ tham gia vào việc quy hoạch và thiết kế cho thôn Đồng Đấu. “Trước đây, chúng tôi chỉ thiết kế homestay đơn lẻ, còn quy hoạch tổng thể thì vẫn còn thiếu sót”, La Đào nói.
Được bạn bè giới thiệu, hai người đến Quý Châu học tập. Trong một dịp tình cờ, họ đã gặp một nghệ nhân nhuộm vải từ thảo mộc, là người nắm giữ di sản phi vật thể ở Quý Châu. Bên cạnh việc học hỏi về quy hoạch và thiết kế, họ cũng học được kỹ thuật nhuộm vải cổ truyền.
Trở về, họ bắt đầu mở xưởng nhuộm, sử dụng quả dành dành, vỏ lựu… để nấu thành nước, sau đó nhuộm màu cho vải bông hữu cơ theo phương pháp cổ truyền. “Xây dựng quê hương cần vốn, chúng tôi muốn sử dụng kỹ thuật nhuộm vải từ thảo mộc để giúp đỡ bà con cùng làm giàu, cải thiện diện mạo làng quê, xây dựng một vùng nông thôn kiểu mẫu”, La Đào nói.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và thành phố, đôi vợ chồng đã mở rộng quy mô xưởng nhuộm, trồng tới 1,33 hecta các loại cây để nhuộm vải. Xưởng cũng thu hút lao động trong làng. Hiện cặp chồng đã mở tài khoản bán trên Douyin. Sản phẩm của họ đã được bán đến các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tô Châu và cả nước Đức.
Họ có đa dạng sản phẩm như túi mua sắm thân thiện với môi trường, bộ chăn ga gối đệm bằng bông hữu cơ nhuộm từ thảo mộc, đồ ngủ, chăn bông, khăn tay, khăn mặt.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ sử dụng kỹ thuật nhuộm vải từ thảo mộc để giúp đỡ bà con làm giàu, đồng thời biến ngôi làng thành ‘Làng cổ tích mới'”, đôi vợ chồng tự tin nói.
Bảo Nhiên (Theo Jimu News/QQ)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/vo-chong-bo-pho-ve-que-xay-ngoi-nha-nhu-co-tich-4813971.html