Chị Trang 40 tuổi cao 1,62 m, nặng 82 kg và anh Thành 43 tuổi nặng 95 kg, cao 1,7 m, vợ chồng đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30. Họ kết hôn năm 2012, hai lần sảy thai, đến nay chưa có con nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị vô sinh. Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, cho biết vợ chồng chị Trang cùng béo phì độ hai, mắc các rối loạn chuyển hóa liên quan các nội tiết tố testosterone và estrogen, làm giảm khả năng sinh sản. Lượng mỡ thừa tích tụ dày trong cơ thể ảnh hưởng đến sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH).
GnRH có vai trò kích hoạt giải phóng luteinizing (LH) – hormone tạo hoàng thể, tham gia kích thích nang trứng và hormone kích thích nang trứng (FSH). Cả hai đều quan trọng với sự phát triển của trứng và tinh trùng.
Ở nữ giới, mỡ thừa và béo phì còn tăng phản ứng viêm, đề kháng insulin… gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Phụ nữ có nguy cơ cao mắc hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng và chất lượng trứng giảm, khó mang thai.
Béo phì khiến nam giới bị rối loạn chuyển hóa hormone testosterone, tăng phản ứng viêm, hình thành nhiều estrogen (hormone nữ) và kìm hãm sản xuất testosterone, ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, khiến tinh trùng tổn hại, suy yếu, giảm ham muốn tình dục.
Với vợ chồng anh Thành, bác sĩ Hoàng cho rằng điều trị béo phì thành công sẽ giúp họ có con tự nhiên với thai kỳ khỏe mạnh. Giảm cân còn giúp tránh nguy cơ sảy thai, tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, dọa sinh non, tiền sản giật…
“Để thuận lợi cho quá trình thụ thai, mang thai, anh Thành và chị Trang cần giảm BMI xuống mức bình thường là dưới 25 kg/m2”, bác sĩ Hoàng nói, thêm rằng giảm được khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể sẽ cải thiện các dấu hiệu chuyển hóa, có thể thụ thai bình thường.
Bác sĩ Hoàng tư vấn cho chị Trang. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Hoàng lên phác đồ điều trị 6 tháng cho cả hai gồm tiêm thuốc giảm cân, tăng cường vận động bằng các bài tập đơn giản như đi bộ, leo cầu thang, nâng tạ nhẹ, tập yoga đến chạy bộ, bơi lội để nhanh đốt cháy mỡ, tăng cơ. Chế độ ăn được điều chỉnh tăng protein nạc và rau xanh, giảm dầu mỡ, chiên xào nhưng không cần kiêng tuyệt đối để tránh áp lực, tổng năng lượng nạp vào thấp so với năng lượng tiêu hao.
Tái khám sau tháng đầu tiên, vợ chồng chị Trang lần lượt giảm 4 kg và 5,5 kg. Đến tháng thứ hai, cân nặng chững lại, cả hai chỉ giảm được 0,5-1 kg. Vợ chồng chị nghĩ “giảm cân đã thất bại giữa chừng như những lần trước”. Bác sĩ Hoàng giải thích 4 tuần đầu là giai đoạn giảm cân nhanh do khối lượng nước trong cơ thể giảm, lượng đường dự trữ dưới dạng glycogen trong cơ thể được sử dụng. Sau 4 tuần này, cơ thể vào giai đoạn giảm cân chậm hơn, tình trạng tăng cơ có thể làm cho cân nặng không thay đổi dù vẫn áp dụng đúng liệu trình. Sau giai đoạn này cơ thể tiếp tục đốt cháy chất béo dư thừa, giúp giảm lượng mỡ thừa.
Bác sĩ Hoàng động viên và tư vấn vợ chồng chị Trang tăng cường vận động, đồng thời kiên trì điều trị theo phác đồ. Suốt 6 tháng, anh chị đều thức dậy từ sớm để cùng nhau đi bộ. Sau thời gian làm việc, chiều về lại cùng nhau đi tập. Lúc vợ tập yoga, anh Thành chạy trên máy để đồng hành. Vợ chồng nấu nướng bữa ăn lành mạnh, ưu tiên rau củ, protein nạc theo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng. Kết quả sau 6 tháng, chị Trang giảm 19 kg, anh Thành giảm 25 kg.
Chị Trang sinh thường bé trai, nặng 3,1 kg hồi đầu tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hơn một tháng sau khi kết thúc liệu trình giảm cân, chị Trang mang thai tự nhiên, thai kỳ khỏe mạnh. Đầu tháng 3, bé trai sinh thường nặng 3,1 kg, được đặt tên là Mạnh An với ý nghĩa may mắn, khỏe mạnh.
“Đây là ‘quả ngọt’ của vợ chồng chúng tôi nhờ đồng lòng giảm cân”, anh Thành bế con trai vui vẻ cho biết.
Đức Hạnh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/vo-chong-cung-giam-can-de-tim-con-4869308.html