Vụ án nhà tang lễ ‘ngược đãi’ 190 thi thể, bỏ mặc không mai táng

Tháng 9/2023, người dân quanh thị trấn Penrose, bang Colorado, nhận thấy mùi hôi thối quanh quẩn trong không khí. Ban đầu, họ cho rằng đó là mùi của bể phốt bị rò rỉ hay mùi xác động vật chết, về sau xác định mùi tử khí bắt nguồn từ căn nhà bị bỏ hoang.

Đây vốn là nhà kho của Công ty tang lễ Return to Nature, nổi tiếng với quảng cáo dịch vụ chôn cất “xanh”, không cần hóa chất ướp xác hoặc quan tài kim loại. Vài tháng trước, do không trả tiền thuê nhà, không nộp thuế và bị kiện vì bùng tiền đơn vị hỏa táng, vợ chồng Jon, 44 tuổi và Carie Hallford, 47 tuổi, chủ sở hữu công ty tang lễ, đã bị chủ nhà đuổi khỏi đây. Các cư dân quyết định gọi cảnh sát.

Ngày 5/10/2023, gần chục xe cảnh sát bao quanh căn nhà hoang. Các sĩ quan hiện trường của FBI, bang Colorađo sau đó cho biết đây là nhiệm vụ kinh khủng nhất trong cuộc đời họ.

Nhà kho bị bỏ hoang của Nhà tang lễ Return to Nature. Ảnh: 9News

Trong căn nhà hoang, cảnh sát tìm thấy hài cốt của khoảng 190 người ở các trạng thái phân hủy khác nhau. Nhiều thi thể không được che đậy, hoặc chỉ được che chắn một phần. Một số thi thể được đặt trên xe cứu thương, một số chỉ nằm trên sàn. Các thi thể khác xếp chồng lên nhau, chặn cửa ra vào và một số phần của tòa nhà…

Giòi, ruồi và các loại côn trùng khác phủ kín sàn nhà và bám trên các thi thể. Trong nhiều túi nhựa trong suốt, chất lỏng phân hủy đã lấp đầy khiến túi xác bị vỡ, tràn xuống sàn. Nhiều thi thể (có thể của trẻ em) được đặt trong xô hoặc thùng carton để hứng chất lỏng phân hủy bị rò rỉ. Chất lỏng này chảy ra sàn nhiều đến mức đã khiến các sĩ quan trượt ngã nhiều lần khi di dời các thi thể ra ngoài.

“Các nhà điều tra cũng tìm thấy những hiện vật cá nhân, có lẽ do thân nhân của người quá cố trao cho công ty tang lễ Return to Nature với ý định chôn cất hoặc đặt cùng với hài cốt”, báo cáo của FBI nêu.

Carie và Jon Hallford bị bắt ngày 8/11/2023.

Vợ chồng Carie và Jon Hallford trước khi bị bắt. Ảnh: Return to Nature Colorado

Return to Nature được thành lập năm 2017 tại Colorado Springs và nợ nần chồng chất. Công ty này tính phí 1.895 USD cho một dịch vụ mà họ gọi là chôn cất tự nhiên: “không được ướp xác trong quan tài phân hủy sinh học, không có vải liệm, tự nhiên nhất có thể”.

Theo trang web của công ty này (hiện website đã đóng cửa), chi phí trên không bao gồm tiền mua quan tài và không gian nghĩa trang. Theo luật của Colorado, việc chôn cất xanh là hợp pháp nhưng luật của tiểu bang yêu cầu bất kỳ thi thể nào không được chôn cất trong vòng 24 giờ phải được bảo quản lạnh đúng cách.

Theo cảnh sát, phần lớn trong số các thi thể đã được người nhà trả tiền dịch vụ để hỏa táng, số còn lại “chôn cất tự nhiên”. “Nhưng thay vì hỏa táng hoặc chôn cất các thi thể như đã báo cáo, 190 thi thể đã bị để thối rữa ở nhiệt độ phòng trong một khoảng thời gian không xác định. Thi thể bị giữ lâu nhất, được xác định từ năm 2019”, nhà chức trách công bố.

Tuy nhiên, vợ chồng Carie và Jon Hallford vẫn thu tiền từ gia đình người chết, các công ty bảo hiểm, tiểu bang Colorado và những dịch vụ liên quan.

Những chi tiết chấn động và đau lòng của vụ án đã làm dấy lên lo ngại về ngành công nghiệp trị giá 20 tỷ USD mỗi năm. Theo dữ liệu của IBIS World, ở Mỹ tính đến năm 2023 có hơn 22.000 nhà tang lễ, hơn 70% thuộc sở hữu tư nhân và phần lớn được thâu tóm bởi các doanh nghiệp lớn và giàu có.

Do ngành tang lễ không yêu cầu minh bạch về giá nên người sử dụng dịch vụ thường ở trong “thế dưới”. Theo Hiệp hội Giám đốc Tang lễ quốc gia NFDA, chi phí trung bình cho một đám tang có lễ viếng và chôn cất là 8.300 USD, thêm phí nghĩa trang, tượng đài, bia mộ, hoa, nến… có thể lên đến 12.000 USD. Nhưng với những nạn nhân của vợ chồng Carie Hallford, dù đã trả tiền họ thậm chí còn không biết người thân của mình đã được chôn cất hay hỏa táng hay chưa.

Điều tra vụ án, FBI kêu gọi tất cả những gia đình từng có hợp đồng tang lễ với công ty này, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2023 (khi nó đóng cửa) liên lạc với nhà chức trách để đẩy nhanh quá trình xác minh danh tính 190 thi thể.

Trong lúc này, nhiều khiếu nại cũng được nộp lên cơ quan điều tra. Trong đó, các gia đình từng làm dịch vụ ở Return to Nature trình bày nghi vấn, những hũ tro cốt mà công ty giao cho họ, thực chất là bụi xi măng.

Trong lúc vợ chồng Jon và Carie Hallford đang bị buộc tội liên bang với 90 tội danh ngược đãi xác chết, 50 tội danh làm giả, 5 tội danh trộm cắp và 4 tội danh rửa tiền, 125 gia đình nạn nhân được xác minh danh tính đã đệ đơn kiện tập thể trong vụ án dân sự.

Ngày 5/8, thẩm phán quận Fermont, bang Colorado đã tuyên án, buộc vợ chồng chủ nhà tang lễ phải bồi thường cho mỗi nguyên đơn 7,6 triệu USD, tổng 950 triệu USD do xử lý không đúng cách các hài cốt người quá cố.

Vợ chồng bị đơn không thừa nhận vụ kiện, không xuất hiện tại tòa. Người chồng khi đó bị tạm giam trong khi vợ đã được tại ngoại. Tòa án đồng tình với các bị đơn rằng phán quyết tiền bồi thường không mấy có ý nghĩa vì công ty gần như phá sản, còn tình trạng tài chính của vợ chồng Jon và Carie không lấy gì tươi sáng.

“Tóm lại họ sẽ không lấy đâu ra tiền để bồi thường”, nhà chức trách nhận định, song đây được coi là vụ án làm gương trước khi Jon và Carie nhận phán quyết trong phiên tòa hình sự liên bang. “Ít nhất, nó cho thấy hành vi phạm tội của vợ chồng này thực sự khủng khiếp đến mức nào”, luật sư đại diện nguyên đơn nêu quan điểm sau phiên tuyên án.

Các cáo buộc với họ chưa dừng lại, khi giữa tháng 4, Jon và Carie tiếp tục bị truy tố, và sau đó đã thừa nhận rằng họ đã cùng nhau thông đồng lừa đảo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) của Mỹ hơn 800.000 USD tiền cứu trợ đại dịch Covid-19. Đây là số tiền mà họ nhận được theo Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), giúp các doanh nghiệp duy trì việc làm cho lực lượng lao động trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Hôm 24/10 vừa qua, Bộ Tư pháp cho hay, vợ chồng bị cáo đã nhận tội danh này, song tòa chưa ấn định ngày tuyên án. “Mỗi bị cáo phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù liên bang”, thông cáo của Bộ Tư pháp nêu.

Riêng hơn 200 tội danh của họ gồm lạm dụng xác chết, rửa tiền và làm giả, vẫn tiếp tục bị truy tố ở cấp tiểu bang, và được điều trần trong thời gian tới tại tòa án quận Fermont, Colorado.

Nhà tang lễ nơi phát hiện 190 thi thể đã được chính quyền phá dỡ hôm 16/4. Ảnh: Globalnews

Ban bố đạo luật bảo vệ phẩm giá của người đã khuất

Vụ án Nhà tang lễ Return to Nature gây ra sự phẫn nộ sâu sắc của công chúng, đặc biệt với sự giám sát pháp lý của nhà chức trách. Cho đên nay, Colorado vẫn là tiểu bang duy nhất ở Mỹ không yêu cầu những người làm việc trong ngành tang lễ và hỏa táng phải có giấy phép, bằng cấp về khoa học tang lễ hoặc thậm chí là bằng tốt nghiệp trung học.

Trước áp lực của người dân, và những hệ lụy đau thương của vụ án đang xét xử dở dang, hôm 24/5, Thống đốc bang này đã ký Dự luật Colorado SB24-173, nêu các quy định bằng cấp khoa học bắt buộc với người làm việc trong ngành tang lễ.

Luật đã siết chặt hơn yêu cầu cấp phép với doanh nghiệp và người hành nghề, buộc phải có lý lịch tư pháp trong sạch, bằng cấp đại học đúng chuyên ngành liên quan, hoàn thành khóa học nghề bắt buộc tối thiểu một năm, có ít nhất 4.000 giờ hành nghề, giấy phép chỉ có hạn trong 3 năm và phải kiểm tra để được gia hạn… Đạo luật chính thức có hiệu lực từ 1/1/2026.

Việc thông qua Đạo luật này được coi là một chiến thắng lớn cho việc bảo vệ người tiêu dùng và phẩm giá của người đã khuất. Bằng cách thiết lập các quy định và giám sát chặt chẽ hơn, luật này giúp đảm bảo rằng các sự việc bi thảm như vụ án 190 thi thể, sẽ không lặp lại.

Hôm 16/4, việc phá dỡ Nhà tang lễ Return to Nature bắt đầu, mất 10 ngày để hoàn thành. Chính quyền quận Fremont và mục sư đã tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ 190 nạn nhân của nhà tang lễ, với hy vọng việc phá dỡ sẽ giúp khép lại nỗi đau cho các gia đình.

Hải Thư (Theo AP, CPR, Law and Crime, CBS, USA Today)

Nguồn bải viết : https://vnexpress.net/vu-an-nha-tang-le-nguoc-dai-190-thi-the-bo-mac-khong-mai-tang-4808987.html