Ngày 8/11, vụ kiện ngã ngũ sau 7 năm tố tụng ròng rã. Phán quyết được cho là đã khiến nữ giới không hài lòng.
Hồ sơ thể hiện, mùa hè năm 2016, Bruce và Caroline bắt đầu hẹn hò. Trong năm tiếp theo, họ cùng nhau đi du lịch, thăm New York, Bar Harbor, quần đảo Virgin và Italy. Bruce trả tiền cho những kỳ nghỉ này.
Bruce cũng tặng bạn gái nhiều quà xa xỉ như trang sức, quần áo, giày dép và túi xách và giúp chi trả một số chi phí y tế.
Bruce đã mua chiếc nhẫn đính hôn kim cương trị giá 70.000 USD (1,8 tỷ đồng). Tháng 8/2017, anh cầu hôn và bạn gái đồng ý.
Tháng 10/2017, Bruce đã mua hai chiếc nhẫn cưới với chi phí khoảng 3.700 USD và tiếp tục lên kế hoạch cho đám cưới của họ, ấn định vào tháng 9/2018.
Không lâu sau, Bruce bắt đầu nhận thấy một số hành vi lạ của Caroline. Trong đơn, anh cho rằng hôn thê ngày càng khó tính và không ủng hộ anh. Cô liên tục gọi anh là “thằng ngốc”, phàn nàn về cách sử dụng điện thoại di động và mắng vì làm đổ đồ uống…
Cô đã không đi cùng đến các buổi điều trị khi anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nếu có điều gì không ổn, Caroline đổ lỗi cho Bruce. Khi cặp đôi cãi nhau, Caroline sẽ hét vào mặt Bruce và bỏ đi. Song Bruce không nghĩ đến việc hủy bỏ lễ cưới.
Sau đó, vào một buổi tối tháng 11/2017 sau một cuộc cãi vã, Caroline đã nói rằng mình “là phụ nữ xinh đẹp, có thể kiếm được một người đàn ông bất cứ khi nào”. Caroline giận dữ bỏ đi ngủ, để lại điện thoại di động của mình.
Bruce nhìn vào điện thoại của Caroline và phát hiện ra một tin nhắn từ bạn gái gửi cho một người đàn ông lạ: “Bruce sẽ ở Connecticut trong ba ngày. Em cần vui chơi một lúc”. Bruce tìm thấy thêm nhiều tin nhắn tình tứ giữa hai người.
Từng ly hôn vì bị vợ phản bội, Bruce cảm thấy sốc và đối chất với Caroline hôm sau. Cô phủ nhận và nói đó chỉ là người bạn thân lâu năm.
Trong hai tuần sau đó, Bruce đã đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ của mình với Caroline và quyết định hủy hôn. Caroline giữ lại nhẫn đính hôn và nhẫn cưới song sau đó, vị hôn phu quyết định đệ đơn kiện đòi lại.
Vụ kiện này liên quan mật thiết đến lịch sử các vụ tố tụng liên quan đến tình yêu và hôn nhân, tồn tại hàng trăm năm ở Mỹ. Trước đây, thịnh hành ở cuối thế kỷ 19, đạo luật “Heart balm” (Xoa dịu trái tim) cho phép những người phụ nữ bị hủy hôn quyền khởi kiện kẻ khiến trái tim mình tan vỡ, đòi những khoản bồi thường hàng triệu USD.
Nhưng đến năm 1930, các bang đã gần như bỏ loại vụ kiện này, chỉ còn sót lại không nhiều các vụ kiện đòi sính lễ – nhẫn đính hôn, trong trường hợp nó có giá trị cao.
Từ năm 1959, Massachusetts và một số bang ra tồn tại thông lệ chú rể có quyền đòi lại nhẫn đính hôn đã tặng hôn thê, miễn anh ta không “có lỗi” trong việc hôn ước không thành. Tức “nếu tôi không có lỗi, tôi được đòi lại quà”.
Nhưng hiện nay, phần lớn các tiểu bang đều coi nhẫn đính hôn là một món quà có điều kiện – tặng để người ta cưới mình. Do đó, nếu hôn ước không thành thì buộc phải trả nhẫn, bất kể lỗi thuộc về ai.
Trong vụ án của Bruce và Caroline, tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1/2018, tòa phán quyết Caroline và người đàn ông mà cô ấy đang giao tiếp đã là bạn trong hơn 40 năm và Bruce “không chứng minh được rằng Caroline quan hệ ngoài luồng”.
Dựa trên những phát hiện này, thẩm phán kết luận Bruce có lỗi khi hôn nhân không thành, vì ghen tuông vô cớ. Trước việc Bruce viện cớ bạn gái gần đây thay tính đổi nết, thẩm phán xác định rằng quyết định hủy hôn của Bruce dựa trên niềm tin sai lầm rằng Caroline đang ngoại tình.
Tòa sơ thẩm tuyên Caroline có quyền giữ chiếc nhẫn đính hôn, còn cặp nhẫn cưới, mỗi người giữ một. Bruce đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm Massachusetts.
Tại đây, HĐXX phân tích, mọi người thường cho rằng nhẫn đính hôn có bản chất là lời cam kết, được đưa ra với điều kiện ngụ ý rằng cuộc hôn nhân sẽ diễn ra. Nếu hôn nhân bị chấm dứt mà không có lỗi từ phía người tặng, người tặng có thể lấy lại nhẫn.
Nhưng việc đánh giá “lỗi” trong một cuộc đổ vỡ là nhiệm vụ khó khăn. Các tình huống “vô tận” trong cuộc sống khiến việc quy lỗi trở nên vô ích, chẳng hạn như khi các bên phát hiện ra họ không có điểm chung nào, khó khăn với gia đình chồng/vợ, thái độ thù địch của con nhỏ của một bên, vật nuôi không thể hòa thuận, thói quen bừa bộn hoặc khác biệt về tôn giáo… Do đó, không có tiêu chuẩn pháp lý nào để phán quyết lỗi của ai.
Thứ hai, tòa cho rằng việc đổ lỗi cho ai là người làm tan vỡ hôn ước là trái ngược với mục đích chính của thời gian đợi kết hôn: Củng cố lại quyết định cưới người này có thực sự đúng đắn.
Trong thời gian đính hôn, các bên “nên được tự do xem xét lại hôn ước của họ” và sẽ tốt nếu hủy hôn đúng đắn hơn là cố chấp kết hôn để sau đó phá vỡ lời thề hôn nhân. Hôn nhân “phải được tiếp cận một cách thông minh”, tòa nêu quan điểm.
Thứ ba, do tòa án đã xác định rằng, việc xác định ai có lỗi đã không quan trọng,
thì “lỗi” cũng không liên quan đến việc phá vỡ hôn ước. Trong hôn nhân, các bên có quyền tự do đưa ra quyết định cưới hay không cưới, không liên quan ai có lỗi với ai.
Do đó, trong thế giới hiện đại, nhẫn đính hôn cần được xem xét là món quà có điều kiện, chỉ được nhận khi hôn lễ có diễn ra. Trường hợp hôn nhân theo kế hoạch không diễn ra, tức không thỏa mãn được điều kiện, món quà đính hôn tất nhiên phải được trả lại cho người tặng.
Tòa cho rằng luật pháp cần phải thay đổi, dựa trên tiến trình tất yếu của đời sống xã hội. Việc xem xét lỗi của ai để quyết định việc trả lại nhẫn, quà đính hôn là quan niệm đã “rất lỗi thời”, xung đột với các chuẩn mực xã hội hiện đại.
Phán quyết cuối cùng, HĐXX đã đảo ngược án sơ thẩm, tuyên Caroline phải trả lại nhẫn đính hôn 70.000 USD cho Bruce.
Hải Thư (Theo Reuter, US Supreme Court)
Nguồn bải viết : https://vnexpress.net/vu-kien-dai-dang-doi-ban-gai-tra-nhan-kim-cuong-khi-huy-hon-4816108.html