Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”. Đây là một trong những hoạt động chiến lược, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguy cơ mất đơn hàng
Theo Bộ Công Thương, những chính sách quan trọng như: Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Các chính sách trên không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu thực tế quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam mới ở mức 2%, có nghĩa “nền kinh tế nâu” vẫn chiếm 98%. Việt Nam nằm trong tốp 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trong tốp 20 nước phát thải lớn nhất thế giới.
Điều này dẫn tới nguy cơ, các nước phát triển hay đối tác thương mại ưu tiên thị trường khác thay vì Việt Nam khác nhằm duy trì vị thế bền vững. DN Việt sẽ đánh mất thị trường xuất khẩu nếu không thực hiện tuân thủ về phát triển bền vững. “Trước đây, các quy định về phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU) là tự nguyện, nay trở thành yêu cầu tuân thủ và bắt buộc” – ông Thọ chia sẻ và dẫn chứng câu chuyện ngành dệt may Việt Nam từng gặp phải. Đó là cuối năm 2022, đầu năm 2023, các DN dệt may đã trải qua thời kỳ khó khăn khi bị mất đơn hàng do đối tác lựa chọn Bangladesh do có chuỗi nhà máy xanh.
Cũng từ câu chuyện của ngành dệt may, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt (tỉnh Bình Dương, một đơn vị chế biến và xuất khẩu gỗ), cho biết DN đã quyết định tự kiểm kê phát thải khí nhà kính trong năm 2023.
Đến nay, Lâm Việt đang thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cách bằng cách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Ông Lam nhận thấy chuyển đổi xanh cần bắt đầu từ tư duy số, thông qua việc tối ưu hóa sử dụng nguồn lực (giảm tiêu hao nguyên liệu, tăng năng suất lao động); truy xuất thông tin dễ dàng (giải trình chính xác, phản biện kịp thời cho các vụ kiện phòng vệ thương mại); truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu.
Phát triển xanh còn là cơ hội
Từ thực tế của DN mình, đại diện Lâm Việt kiến nghị: Nhà nước có các chính sách, chương trình hỗ trợ pháp lý, vốn, lãi suất ưu đãi, quỹ xanh cho các nhà máy đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tự sản tự tiêu; các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại tăng cường nâng cao kiến thức, truyền thông, lan tỏa tư duy chuyển đổi xanh là cơ hội, không phải thách thức.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về sự cần thiết, các quy định mới về xanh, bền vững. Điều này sẽ hỗ trợ DN định vị thị trường xuất khẩu để không bị loại khỏi “cuộc chơi”. Bên cạnh đó, bộ phối hợp tổ chức quốc tế, chương trình nâng cao năng lực, hiệp hội ngành hàng tuân thủ về xanh, bảo vệ môi trường. Ví dụ, chương trình hỗ trợ kỹ thuật về kiểm kê phát thải khí nhà kính, tài chính xanh…
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, phát triển bền vững không chỉ gói gọn trong một từ “xanh” mà phải thực hành ESG, viết tắt của 3 yếu tố Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị DN) – bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững. Theo đó, DN Việt Nam khi làm việc với các đối tác của EU phải thỏa mãn quy định mới thẩm định chuỗi cung ứng, báo cáo phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam để thích ứng hiệu quả với các tiêu chuẩn bền vững là yêu cầu mang tính sống còn đối với nền kinh tế. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia và thực hiện cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. “Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm định hướng từ Chính phủ thông qua các cơ chế và chính sách khuyến khích, hỗ trợ; sự chủ động của DN trong việc đầu tư và thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh; cùng với tinh thần hợp tác, đồng hành của các bên liên quan” – Thứ trưởng Tân nhận định.
Việt Nam đứng thứ 79 thế giới về kinh tế xanh
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ dẫn báo cáo Global Green Economy Index cập nhật năm 2024 về đánh giá kinh tế xanh của 160 quốc gia trên thế giới dựa trên theo dõi, đánh giá dữ liệu 18 chỉ số: Môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và đầu tư xanh đáp ứng yêu cầu ESG từ 2005 đến 2020. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 79/160 toàn cầu, đứng thứ 3 ở ASEAN năm 2022; đứng hạng 29/160 về mức độ cải thiện các chỉ số và hạng thứ 94/160 về khoảng cách tới mục tiêu toàn cầu.
Theo ông Andri Meier, Phó trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ, nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh gắn với sản xuất thân thiện môi trường. Đây không chỉ là thách thức mà cơ hôi tuyệt vời nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo việc làm thỏa đáng cho người dân Việt nam. “Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình hướng tới nền kinh tế tăng trưởng cao gắn với bền vững” – chuyên gia này nói.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/xuat-khau-xanh-la-yeu-cau-song-con-196241204205632649.htm